Theo công bố của Đại học Y tế Michigan: "Khi nằm thẳng, lượng máu thường đọng trong tĩnh mạch chân sẽ trở lại dòng máu lưu thông trong cơ thể. Nếu bệnh nhân bị suy tim, tim có thể không bắt kịp với lượng máu tăng trở về tim, vì vậy dịch sẽ tích tụ bên trong phổi và gây khó thở". Điều này có thể gây những tác động nghiêm trọng.
Một nghiên cứu năm 2002 trên chuyên trang EHJs của Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy, khoảng 90% bệnh nhân suy tim tử vong vì các nguyên nhân tim mạch. "50% người bệnh chết vì suy tim tiến triển và phần còn lại chết đột ngột vì rối loạn nhịp tim và thiếu máu cục bộ", các tác giả nghiên cứu viết.
Suy tim xảy ra khi cơ tim không bơm máu tốt như bình thường. Thông thường, thương tổn xuất phát từ bệnh động mạch vành hoặc huyết áp cao, có thể làm tim yếu đi theo thời gian. Theo Cleveland Clinic, khoảng 5,7 triệu người Mỹ hiện sống chung với bệnh suy tim và khoảng 550.000 ca mới xảy ra mỗi năm. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện ở những người trên 65 tuổi và có thể là một căn bệnh đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Các chuyên gia lưu ý rằng, đối với hầu hết bệnh nhân mắc chứng khó thở, mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc vào tư thế ngủ. Cảm giác khó chịu và khó thở thường tăng lên khi họ nằm úp trên giường.
"Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng này, các bác sĩ thường hỏi người bệnh rằng họ cần nằm bao nhiêu gối để tránh cảm thấy khó thở khi ngủ. Ví dụ, chứng khó thở 'ba gối' tồi tệ hơn so với chứng khó thở 'hai gối', bởi vì bệnh nhân khó chịu hơn khi nằm ngửa", các nhà nghiên cứu nói. Vì vậy, khi người bệnh khó thở nếu không nằm nghiêng, hãy ngay lập tức thăm khám bác sĩ để kiểm tra tim.
Nếu có hiện tượng khó thở đánh thức trong đêm, bệnh nhân có thể mắc một chứng bệnh liên quan gọi là khó thở kịch phát về đêm (PND). Các chuyên gia của Đại học Michigan giải thích: "Một số người bị suy tim tỉnh giấc giữa đêm với tình trạng khó thở nghiêm trọng. Các triệu chứng thường xuất hiện gồm thở khò khè, nhịp tim nhanh và cảm thấy nghẹt thở".
Các chuyên gia cho biết, thông thường những người trải qua PND không cảm thấy khó thở gia tăng khi họ nằm xuống từ đầu. Tuy nhiên, sau khi nằm vài tiếng, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột. Những người trải qua PND thường phải ngồi dựa vào thành giường và có thể cảm thấy cần phải mở cửa sổ để lấy thêm không khí. Khó thở thường biến mất sau vài phút ngồi dậy.
Tình trạng này khác với chứng ngưng thở khi ngủ nhưng các chuyên gia nói rằng cả hai đều liên quan đến suy tim và việc tầm soát tim mạch. Theo tổ chức Sleep Foundation, trên thực tế, chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng 140% nguy cơ suy tim và 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Theo Mayo Clinic, có một số triệu chứng khác của bệnh suy tim cần chú ý, bao gồm mệt mỏi, suy nhược, sưng tấy ở chi dưới, ho dai dẳng hoặc thở khò khè, tăng cân nhanh chóng, buồn nôn, khó tập trung, sưng bụng và đau ngực. Suy tim có thể mạn tính hoặc cấp tính, có nghĩa là các triệu chứng có thể kéo dài theo thời gian hoặc bắt đầu đột ngột. Nếu nhận thấy khó thở khi nằm hoặc các dấu hiệu khác của bệnh suy tim, người bệnh cần đi khám ngay.
Châu Vũ (Theo Bestlife)