Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, có 2,21 triệu ca ung thư phổi mới và 1,8 triệu người tử vong do ung thư phổi. Số liệu thống kê về ung thư phổi tại Việt Nam cho thấy, số ca mắc bệnh này đứng thứ 2 trong số các bệnh ung thư, chỉ sau ung thư gan.
Không ít người lầm tưởng mắc ung thư phổi sẽ tử vong, tuy nhiên, khi được phát hiện vẫn có thể điều trị được. Song ung thư phổi có thể tái phát sau thời gian điều trị ổn định.
Theo tờ VerywellHealth (Mỹ), ung thư phổi tái phát là tình trạng ung thư trở lại sau một thời gian thuyên giảm hoàn toàn. Lúc này, tế bào ung thư được tìm thấy và điều trị ban đầu sẽ trở lại ở cùng một vị trí hoặc một vị trí khác trong cơ thể, tối thiểu là một năm kể từ khi khỏi bệnh mà có thể không có triệu chứng.
Tái phát ung thư phổi có thể xảy ra ngay cả ở những người đã có khối u giai đoạn đầu dù có được điều trị bằng các liệu pháp hiện đại.
Cũng theo tờ VerywellHealth (Mỹ), các đợt tái phát ung thư phổi thường khó được phát hiện và bệnh phát triển nhanh chóng, khó lường hơn, gây khó khăn trong điều trị. Các loại tái phát ung thư phổi được xác định từ vị trí xảy ra ung thư, điển hình gồm: tái phát cục bộ là khi ung thư quay trở lại phổi gần vị trí của khối u ban đầu; tái phát khu vực là khi ung thư tái phát trong các hạch bạch huyết, gần vị trí của khối u ban đầu; tái phát xa là khi các tế bào ung thư phổi xuất hiện ở vị trí khối u ban đầu, chẳng hạn như trong xương, não, tuyến thượng thận hoặc gan.
Cũng có trường hợp người bị ung thư phổi phát triển thành một bệnh ung thư khác hoàn toàn sau khi bệnh thuyên giảm. Loại ung thư mới này có thể được phân biệt với sự tái phát của ung thư phổi khi các tế bào được kiểm tra dưới kính hiển vi.
Không phải ai mắc ung thư phổi, điều trị thành công đều tái phát. Ung thư phổi tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán và cách điều trị ung thư ban đầu. Các bệnh ung thư phổi tái phát có xu hướng xảy ra trong khoảng thời gian từ 2-5 năm kể từ khi chẩn đoán ban đầu.
Khi ung thư phổi tái phát, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng cơ bản như ho dai dẳng, ho ra máu, hụt hơi, thở khò khè, viêm phổi, đau sâu ở ngực, lưng, vai hoặc tứ chi. Kèm theo các biểu hiện chóng mặt, suy giảm thị lực, yếu một bên cơ thể, đau bụng, vàng da,...
Hầu hết các lần tái phát ung thư phổi là do sự lây lan của ung thư ban đầu. Ngay cả sau khi chữa trị vẫn có thể có các tế bào tồn tại không phát hiện được qua các xét nghiệm hình ảnh. Những tế bào này có khả năng "gieo mầm" một khối u mới tại cùng vị trí hoặc được vận chuyển qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể. Nguy cơ tái phát có thể tăng lên nếu người bệnh vẫn duy trì các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, có lối sống không lành mạnh.
Anh Chi (Theo VerywellHealth)