Chu kỳ kinh nguyệt bình thường (từ ngày bắt đầu có kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo) dao động trong khoảng 28 - 30 ngày. Tuy nhiên, một số người có thể có kỳ kinh lên đến 40 ngày. Nếu phụ nữ có chu kỳ dài hơn mức này được coi là trễ kinh.
Một vài yếu tố về lối sống và sinh lý có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt gây ra tình trạng trễ kinh:
Căng thẳng
Căng thẳng mức độ nặng có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone gonadotrophin (GnRH), một loại hormone có chức năng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự rụng trứng.
Căng thẳng cả về thể chất và tâm lý đều có thể gây ra hiện tượng chậm kinh. Nhiều chị em gặp tình trạng trễ kinh trong khi bản thân đang trải qua một trạng thái rất căng thẳng không phải là hiếm. Tuy nhiên, nếu bị căng thẳng kéo dài và trễ kinh nhiều hơn một lần trong năm, hãy cân nhắc đi khám chuyên khoa.
Nếu không có lý do nào khác gây chậm kinh, bác sĩ có thể đưa ra giải pháp để chữa trị kịp thời. Một khi căng thẳng quay về trạng thái có thể kiểm soát được, sẽ mất vài tháng hoặc dài hơn để chu kỳ kinh trở lại bình thường.
Tập thể dục quá sức
Tập thể dục quá sức có thể gây ra những thay đổi trong hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp, từ đó ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt. Những thay đổi nội tiết tố này xảy ra khi tập thể dục trong nhiều giờ với cường độ cao mỗi ngày.
Cố gắng duy trì từ một hoặc hai giờ tập luyện mỗi ngày có thể không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Mắc các bệnh lý
Các tình trạng mạn tính có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ bao gồm: lệnh tuyến giáp, hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), có khối u tuyến yên (có thể là ung thư hoặc lành tính), bệnh về tuyến thượng thận, u nang buồng trứng...
Một số bệnh lý bẩm sinh như hội chứng Turner (rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thường gặp ở phụ nữ) và không nhạy cảm với androgen (một rối loạn di truyền xảy ra trong giai đoạn phát triển các đặc điểm giới tính ở nữ) thường gây ra các vấn đề về kinh nguyệt. Đôi khi, những tình trạng bẩm sinh này thường liên quan đến hiện tượng vô kinh.
Một số bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tim, suy thận hoặc viêm màng não... có thể dẫn đến giảm cân nhanh chóng, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc rối loạn chức năng hormone. Những tình trạng này cũng có thể dẫn đến trễ kinh.
Thay đổi đồng hồ sinh học
Đồng hồ cơ thể có thể thay đổi ở những người thường xuyên thay đổi ca làm việc từ ngày sang đêm hoặc di chuyển liên tục, điều này cũng khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên thất thường hơn. Sự thay đổi trong lịch trình ở nữ giới không gây ra mất kinh hoàn toàn nhưng có thể khiến kỳ kinh bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn dự kiến.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc: thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống co giật và một số loại thuốc hóa trị liệu... có thể khiến kỳ kinh nguyệt ở chị em bị chậm. Thuốc tránh thai nội tiết chứa progesterone, vòng tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn kinh nguyệt ở phụ nữ. Mỗi loại thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt theo những cách khác nhau như kinh nguyệt ra nhiều, ra ít hoặc một số có thể gây vô kinh.
Tăng, giảm cân đột ngột
Tình trạng thừa cân, thiếu cân hay những thay đổi lớn về trọng lượng cơ thể đều ảnh hưởng đến chu kỳ nguyệt san. Béo phì ảnh hưởng đến việc điều hòa estrogen và progesterone, thậm chí có thể gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. Chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức cao có liên quan đến việc trễ kinh và thiếu cân nghiêm trọng cũng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ gặp tình trạng chán ăn hoặc đốt cháy nhiều calo hơn mức dung nạp vào cơ thể lúc tập thể dục có thể bị vô kinh. Thông thường, tăng cân sẽ giúp kinh nguyệt trở lại.
Tiền mãn kinh và mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển giao ở phụ nữ, lúc này cơ thể sẽ không xuất hiện chu kỳ rụng trứng, kinh nguyệt sẽ mất đi và không còn khả năng sinh sản. Kinh nguyệt có thể diễn tiến thất thường: ra nhiều hơn hoặc ít hơn trong thời gian này. Tuổi mãn kinh dao động từ 45 đến 55 tuổi.
Cho con bú
Phụ nữ có thể có ít kinh nguyệt, không đều hoặc vô kinh khi cho con bú, đặc biệt ở những chị em nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nhiều phụ nữ cho rằng, con bú mẹ hoàn toàn là một hình thức kiểm soát sinh sản nhưng không phải vậy. Ngay cả khi chị em không có kinh khi đang cho con bú nhưng vẫn có thể mang thai. Nếu chưa sẵn sàng có thêm con, chị em vẫn nên sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.
Đôi khi bị trễ kinh thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Một số chị em có thể trễ kinh trong một, hai tháng hoặc bị vô kinh hoàn toàn - tức là không có kinh trong ba tháng trở lên liên tiếp. Hãy đi thăm khám nếu bị trễ kinh hơn một lần hoặc nếu trễ kinh kèm theo các triệu chứng: đau đầu nghiêm trọng, buồn nôn hoặc nôn, rụng tóc, tiết sữa, lông mọc nhiều...
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)