Trả lời:
Ung thư vú có thể được kiểm soát hoặc điều trị khỏi, nhất là khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết... Trong các loại ung thư vú, ung thư vú bộ ba âm tính (không có thụ thể estrogen hoặc progesterone) phát triển nhanh, nguy cơ tái phát cao sau khi điều trị.
Liệu pháp miễn dịch (liệu pháp sinh học) là phương pháp sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoạt động chống lại các phần tử lạ như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng như các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch bằng nhiều cơ chế khác nhau. Khi hệ miễn dịch suy yếu, tế bào ung thư càng dễ trốn thoát và phát triển mạnh.
Các nhà khoa học tạo ra các chất giống thành phần của hệ thống miễn dịch trong phòng thí nghiệm. Các chất này giúp khôi phục hoặc cải thiện các hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm phát hiện, tấn công các tế bào lạ nguy hiểm. Đây là bước tiến trong điều trị ung thư, gia tăng khả năng tìm và tiêu diệt tế bào ác tính, ít tác dụng phụ so với hóa trị, tăng tỷ lệ sống sót, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng của người bệnh, bác sĩ chỉ định tiêm - truyền qua đường tĩnh mạch hoặc buồng tiêm để đưa thuốc vào cơ thể. Sau mỗi chu kỳ điều trị, người bệnh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục và tái tạo các tế bào khỏe mạnh mới.
Dù ít gặp tác dụng phụ hơn so với hóa trị, người bệnh ung thư điều trị với liệu pháp miễn dịch có thể bị buồn ngủ, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, táo bón, giảm tế bào máu, nguy cơ hình thành huyết khối, rối loạn chức năng các cơ quan do phản ứng miễn dịch quá mức. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ các triệu chứng bất thường để được kiểm soát, xử trí phù hợp.
Liệu pháp này thường được chỉ định cho người bệnh ung thư vú bộ ba âm tính (thể tam âm) giai đoạn tiến triển tại chỗ nhưng không thể phẫu thuật hoặc giai đoạn di căn. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ tái phát.
Bạn mắc ung thư vú bộ ba âm tính song không rõ giai đoạn mấy, tình trạng cụ thể ra sao nên bác sĩ chưa thể tư vấn phương pháp chính xác. Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ khám và chỉ định phù hợp.
Bác sĩ CKI Lê Ngọc Vinh
Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |