Trả lời:
Màng nhĩ là một lớp màng mỏng trong suốt, ngăn tai ngoài với tai giữa, có vai trò tiếp nhận âm thanh, không cho các tác nhân có hại (bụi bẩn, vi khuẩn, virus...) xâm nhập. Màng nhĩ có độ đàn hồi tốt nhưng độ dày trung bình khoảng 0,1 mm, có thể bị thủng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như dị vật, chấn thương vật lý, chấn thương áp suất...
Triệu chứng thủng màng nhĩ gồm đau tai, tai chảy dịch nhầy hoặc mủ, suy giảm thính lực, mất thính lực, ù tai, chóng mặt, buồn nôn... Người bị thủng màng nhĩ nặng, không được can thiệp vá nhĩ hoặc can thiệp quá trễ có thể gặp biến chứng giảm thính lực, viêm tai giữa thủng nhĩ mạn tính, viêm tai xương chũm có Cholesteatoma.
Phẫu thuật giúp làm kín màng nhĩ, tránh nhiễm trùng tai giữa kéo dài, hạn chế nghe kém chuyển nặng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào thủng màng nhĩ cũng cần vá. Một số màng nhĩ bị thủng có thể tự lành mà không cần điều trị hoặc chỉ điều trị nội khoa. Bác sĩ thường căn cứ vào nguyên nhân, thời gian và tình trạng kích thước lỗ thủng để xác định màng nhĩ có thể tự lành sau thủng hay không.

Bác sĩ Thục Như (trái) phẫu thuật vá nhĩ cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trường hợp thủng nhĩ đơn thuần, không kèm nhiễm trùng nặng và tổn thương tai trong, màng nhĩ có thể tự lành. Thời gian tự lành tùy thuộc mỗi người, thường khoảng 2-4 tuần, tùy cách chăm sóc tai của người bệnh.
Phẫu thuật vá màng nhĩ được chỉ định trong trường hợp vết rách, thủng trên màng nhĩ không lành lại theo thời gian, lỗ thủng màng nhĩ gây nhiễm trùng, ứ dịch, suy giảm hoặc mất thính lực, viêm tai xương chũm nặng... Bác sĩ phẫu thuật sau khi người bệnh điều trị xong tình trạng nhiễm trùng.
Phẫu thuật vá nhĩ để ngăn các biến chứng có thể thực hiện cho người lớn và trẻ em. Đây là phương pháp không quá nguy hiểm, ít xâm lấn, ít chảy máu, vết thương hồi phục nhanh. Khoảng 3-4 tuần sau phẫu thuật, màng nhĩ có thể lành hoàn toàn. Người bệnh bị viêm tai xương chũm nặng, có hiện tượng hủy xương trong tai nghi ngờ do bệnh Cholesteatoma không được phẫu thuật vá nhĩ mà cần phương pháp điều trị thích hợp khác.
Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám, kiểm tra có thủng màng nhĩ hay không, từ đó bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |