Trả lời:
Ống thông tiểu là một ống rỗng nhỏ, dài 22-26 cm, được làm từ nhựa, cao su (PVC), silicone, có nhiều kích cỡ và chủng loại.
Bàng quang bị ứ đọng nước tiểu do bất kỳ nguyên nhân nào, lâu ngày dẫn đến suy thận hoặc tổn thương thận vĩnh viễn. Đặt ống thông tiểu là thủ thuật điều trị được dùng nhiều trong điều trị các bệnh về đường tiết niệu, thận, phẫu thuật... nhằm dẫn lưu nước tiểu, làm trống bàng quang. Một đầu ống thông đặt ở bàng quang và dẫn nước tiểu ra ngoài, chứa trong một túi kín bên ngoài cơ thể.
Bác sĩ có thể chỉ định đặt sonde tiểu trong một số trường hợp như bí tiểu, bệnh bàng quang thần kinh (do đái tháo đường, chấn thương cột sống, di chứng tai biến mạch máu não, các phẫu thuật lớn vùng chậu...); dẫn lưu bàng quang trước và sau khi làm một số thủ thuật, phẫu thuật. Người hóa trị ung thư bàng quang cũng cần đặt sonde tiểu để đưa thuốc trực tiếp vào bàng quang. Đặt ống thông tiểu còn là phương pháp điều trị cuối cùng cho chứng tiểu không tự chủ khi các phương pháp khác không thành công.
Bạn nên đưa ông đến cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán tình trạng bệnh, từ đó có phương án điều trị phù hợp.
Đặt ống thông tiểu là một thủ thuật xâm lấn, phải được thực hiện tại bệnh viện, các y bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật. Phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro như nhiễm trùng đường tiết niệu, co thắt bàng quang, rò rỉ quanh ống thông, chấn thương niệu đạo... Ống thông tiểu sử dụng càng lâu, nguy cơ nhiễm trùng càng cao và tăng nguy cơ hẹp niệu đạo. Do đó, khi đặt ống tiểu, các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh, đảm bảo ống được đặt đúng cách, bảo trì và sử dụng trong thời gian nhất định, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Đặt ống thông tiểu có thể tạm thời. Với người già yếu, người bị thương tật hoặc bệnh nặng, bác sĩ có thể để ống cố định trong thời gian dài, từ vài tuần đến vài tháng hoặc đến khi người bệnh có thể đi tiểu tự nhiên.
Nếu người nhà bạn được đặt ống thông tiểu, sau khi hoàn thành thủ thuật, bạn nên hỏi bác sĩ khi nào người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày như sinh hoạt, vận động, tập thể dục. Với trường hợp cần sử dụng trong thời gian dài, trước khi xuất viện, bác sĩ hướng dẫn người chăm sóc cụ thể về cách tháo lắp, thay thế và chăm sóc ống thông tiểu tại nhà đúng cách, an toàn.
Sau khi đặt ống, người bệnh có thể có các biểu hiện như chảy máu trong hoặc xung quanh ống thông; sốt hoặc ớn lạnh; có lượng lớn nước tiểu rò rỉ xung quanh ống thông; sưng tấy niệu đạo; nước tiểu có mùi nồng, đặc hoặc có màu đục... Những trường hợp này cần đến viện ngay để được xử trí kịp thời.
ThS.BS Cao Vĩnh Duy
Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh tiết niệu, gửi câu hỏi tại đây |