Ngày 10/8, ThS.BS Trần Thúc Khang, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích trung thất là một khoảng hẹp trong lồng ngực, nằm giữa hai phổi. Khối u của anh Thomas không biểu hiện triệu chứng, tình cờ được phát hiện khi chụp CT. Một phần u dính vào động mạch chủ và động mạch phổi, không thể mổ nội soi lấy u.
Ê kíp hội chẩn, xem xét phương án phẫu thuật cưa dọc xương ức để lấy u. Tuy nhiên, ca mổ lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng xương ức, người bệnh hồi phục chậm. Do đó, bác sĩ lựa chọn phương án rạch đường mổ nhỏ (6 cm) ở một phần trên xương ức, đảm bảo an toàn phẫu tích mạch máu lớn, có không gian đủ để đưa khối u ra ngoài.
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ê kíp mổ ghi nhận u xuất phát từ thùy trái tuyến ức dính vào màng ngoài tim, dây thần kinh hoành trái và các tĩnh mạch vô danh. U chưa xâm lấn động mạch chủ và phổi. Trong 120 phút, bác sĩ bóc tách u ra khỏi màng tim, hệ thống tĩnh mạch, thần kinh hoành và các tổ chức mỡ xung quanh.
Nhờ mở đường mổ ngắn, kết hợp kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), bệnh nhân ít đau và đi lại nhẹ nhàng sau một ngày phẫu thuật. 4 ngày sau, người bệnh xuất viện. Kết quả giải phẫu sau đó ghi nhận u tuyến ức (thymoma) loại tế bào type AB và phân độ xâm lấn theo Masaoka (hệ thống phân loại u tuyến ức) là giai đoạn một.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân u tuyến ức thành hai loại là u tuyến ức (thymoma) và ung thư biểu mô tuyến ức (thymic carcinomas). Theo bác sĩ Hiếu, đây là những loại khối u phổ biến nhất của trung thất trước, chiếm khoảng 20% tổng số ca u trung thất. U thường gặp nhất ở người lớn độ tuổi 40-75.
Sau phẫu thuật u trung thất, bác sĩ đưa ra hướng điều trị tiếp theo dựa vào các yếu tố như mức độ cắt bỏ khối u (hoàn toàn hay không hoàn toàn), đặc điểm mô bệnh học, loại u tuyến ức hay ung thư tuyến ức, phân loại giai đoạn bệnh theo Masaoka. Bác sĩ cũng đánh giá dựa vào tình trạng u trong bao, xâm lấn vỏ bao (vi thể, đại thể) hay xâm lấn cơ quan kế cận (màng tim, mạch máu lớn, màng phổi).
Trường hợp anh Thomas được cắt bỏ toàn bộ khối u, u chưa xâm lấn nhiều. Bác sĩ tiên lượng khá tốt. Người bệnh không cần xạ trị sau mổ mà chỉ theo dõi định kỳ.
Hiện, không có biện pháp ngăn ngừa u tuyến ức vì nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định. Bác sĩ Hiếu khuyến cáo người có các triệu chứng như đau ngực, phù mặt, khó thở, yếu cơ... hoặc phát hiện bất thường trên ảnh X-quang nên đi khám ngay.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |