Bệnh nhi ở Hải Phòng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám do viêm họng kéo dài, điều trị không bớt. Bác sĩ chẩn đoán bé viêm họng cấp, nghe nhịp tim phát hiện có dấu hiệu van tim đóng chậm, chuyển đến khoa Tim mạch kiểm tra.
Ngày 22/8, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa Tim mạch, cho biết bé có lỗ thông liên nhĩ (lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ), gây giãn buồng tim, cần điều trị ngay. Nếu để lâu bệnh gây viêm phổi tái phát, tăng áp động mạch phổi, suy tim, rối loạn nhịp tim, giảm tuổi thọ, đột quỵ.
Bác sĩ Duyên giải thích lỗ thông liên nhĩ và các bệnh tim bẩm sinh có thể gây viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết. Đây có thể là nguyên nhân khiến bé bị viêm đường hô hấp trên. Nhiều trẻ mắc bệnh này không có biểu hiện điển hình. Như bé Bách, chỉ phát hiện bệnh khi viêm mũi họng cấp, thể lực phát triển tốt.
Bé trai thừa cân, hình ảnh siêu âm qua thành ngực bị hạn chế nên bác sĩ sử dụng đầu dò siêu âm tim qua thực quản 3D siêu nhỏ để đánh giá vị trí, kích thước khi bít lỗ thông theo đường mạch máu.
Bác sĩ can thiệp qua đường ống thông bằng một vết chích nhỏ khoảng 5 mm ở đùi, đưa các dụng cụ và bít lỗ thông. Kỹ thuật không xâm lấn, không mở ngực giúp người bệnh tỉnh táo, giảm mất máu và nguy cơ nhiễm trùng, thời gian hồi phục nhanh. Sau 1,5 tiếng, ê kíp bít thành công lỗ thông liên nhĩ. Bé Bách tỉnh táo, ra viện sau hai ngày.
Để vá lỗ thông liên nhĩ, bác sĩ có thể mổ mở ngực, cưa xương ức. Tuy nhiên, theo bác sĩ Duyên, phương pháp này có nguy cơ nhiễm trùng và mất máu cao, lâu hồi phục, có sẹo mổ trước ngực.
Kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản 3D có thể thực hiện cho trẻ 5 kg giúp tránh ảnh hưởng khung xương sườn và khí trong phổi phía trước tim, tái tạo hình ảnh lỗ thông chân thực. Siêu âm tim qua thực quản cũng kiểm tra được kết quả bít kín lỗ thông.
Thông liên nhĩ là một bệnh lý tim bẩm sinh với sự xuất hiện của một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ. Nếu lỗ thông nhỏ có thể theo dõi, lỗ thông lớn tiềm ẩn nguy cơ tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, ảnh hưởng tới cuộc sống, thể lực.
Bệnh tim bẩm sinh gây ra bởi nhiều yếu tố, khó kiểm soát nguyên nhân. Để phòng ngừa, phụ nữ trước mang thai cần tiêm chủng phòng ngừa bệnh rubella và cúm.
Thai phụ tránh uống rượu, dùng thuốc hay tiếp xúc với hóa chất, bổ sung axit folic mỗi ngày trong ba tháng đầu thai kỳ. Nên kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, suy giáp, cường giáp. Gia đình có bệnh di truyền hoặc con bị dị tật tim thai cũng nên khám tầm soát bệnh tim trước và trong thai kỳ.
Thanh Ba
20h, ngày 22/8, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức tư vấn trực tuyến chủ đề "Bệnh tim bẩm sinh - Tầm soát, điều trị từ thai nhi đến người lớn". Các bác sĩ khoa Tim mạch tham gia gồm PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa; TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa; BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |