Ngày 19/10, ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại Tổng quát 2, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khi đặt ngón tay khám ở cổ chị Châu sờ thấy khối u cứng. Kết quả siêu âm, chọc hút bằng kim nhỏ cho thấy khối u đã xâm lấn đè lên thực quản, nằm sát dây thần kinh thanh quản, gây phù nề. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp, sau đó giải phẫu khối u.
Quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sĩ khoa Ngoại tổng quát 2 tìm các dây thần kinh và tách khỏi khối u, tránh đưa dao vào cắt ngay lập tức vì dễ khiến người bệnh khàn tiếng vĩnh viễn. Sau 60 phút, ca mổ thành công, đường may thẩm mỹ. Người bệnh xuất viện sau 24 giờ kể từ lúc nhập viện, không khàn giọng, ăn uống bình thường.
Kết quả giải phẫu bệnh u ác tính xâm lấn. Người bệnh tiếp tục được điều trị với iốt phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, hạn chế nguy cơ tái phát.
Theo bác sĩ Trông, phẫu thuật tuyến giáp nếu không cẩn trọng, người bệnh có nguy cơ khàn giọng, chảy máu sau mổ, tê tay, chân, tụ dịch tại lỗ gây sưng, phù nề vùng cổ. Phẫu thuật viên phải khéo léo tránh để lại vết thương dài trước cổ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Bác sĩ Trông cho biết thêm ung thư tuyến giáp là một trong 10 ung thư thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới, chủ yếu xảy ra ở độ tuổi 20-50. Bệnh có thể điều trị được bằng phương pháp phẫu thuật. Tùy vào kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp iốt phóng xạ.
Bác sĩ hướng dẫn cách tự kiểm tra bướu cổ bằng cách đứng trước gương, nuốt nước bọt và quan sát cổ. Nếu phát hiện u cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Đầu - Mặt - Cổ để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời. Khám sức khỏe định kỳ, siêu âm cổ có thể phát hiện sớm các khối u khi chưa có triệu chứng và biểu hiện ra ngoài.
Đức An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp |