Ngày 13/3, BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, cho biết ban đầu chị Huyền được điều trị mụn nhọt, tầm soát định kỳ do thuộc nhóm tỷ lệ cao ung thư vú (trên 40 tuổi). Kết quả siêu âm, chụp nhũ ảnh ghi nhận ngực phải có khối u 2 cm; kết quả sinh thiết sau đó xác định ung thư vú giai đoạn 0.
Chị Huyền ung thư vú giai đoạn sớm nên tiên lượng điều trị tốt, theo bác sĩ Tuấn. 80-90% người bệnh ung thư vú sống trên 10 năm sau điều trị. Với ung thư vú giai đoạn 0, bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật cắt u hoặc tuyến vú, tiên lượng sống sau 5 năm khoảng 100%.
Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ ung thư vú phải, sinh thiết hạch gác cửa và tái tạo ngực ngay cho chị Huyền bằng phương pháp đặt túi ngực. Tế bào ung thư chưa di căn tới hạch nách nên không cần nạo hạch nách. Chị có nguyện vọng phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa ung thư ngực trái và đặt túi ngực ở cả hai bên để đảm bảo thẩm mỹ. Do tế bào ung thư chưa xâm lấn nên không cần hóa xạ trị hay dùng thuốc nội tiết, chị được xuất viện ngay trong ngày.
Bác sĩ Anh Tuấn cho biết tầm soát ung thư vú là kiểm tra những bất thường ngay khi ngực chưa có dấu hiệu u, tiết dịch, đau... Tầm soát giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tiên lượng bệnh tốt. Các phương pháp tầm soát gồm chụp nhũ ảnh, siêu âm, có thể phối hợp nhiều phương pháp một lúc trên để xác định có hay không ung thư.
Chụp nhũ ảnh mô vú dàn trải qua nhiều lát cắt. Bác sĩ xem tổn thương qua các hình ảnh tổng hợp lát cắt để tăng độ chính xác. Phụ nữ có mô vú đặc, khó phát hiện bất thường khi chụp nhũ ảnh sẽ được siêu âm màu để thấy rõ khối u, chẩn đoán hiệu quả hơn.
Trên kết quả siêu âm và nhũ ảnh, nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư sẽ chỉ định sinh thiết. Một số trường hợp, người bệnh có thể cần chụp thêm MRI ngực để đánh giá mức độ tế bào ung thư đã lan đến đâu, từ đó bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ mỗi năm một lần. Trường hợp có nguy cơ cao như gia đình có người mắc ung thư, mang đột biến gene BRCA1, BRCA2 nên khám và tầm soát 6 tháng một lần.
Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh trễ, không sinh con, không cho con bú, từng chiếu xạ ở vùng ngực, béo phì, lạm dụng thuốc nội tiết, uống rượu bia quá nhiều... cũng thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |