Chị Chanh Sóc Thia (dân tộc Khmer, ngụ An Giang) cho biết sau sinh hơn một tháng, bé Chanh San Vi Sal không tăng cân, thường thở nhanh, khò khè kéo dài, đổ mồ hôi đầu nhiều, bú chậm. Chị đưa bé đi khám hô hấp thì bác sĩ báo bé bị tim bẩm sinh. Người mẹ trẻ khó tin vào sự thật vì bé chào đời bụ bẫm, nặng 3,4 kg, tiền sử gia đình không ai mắc bệnh này.
Sau 5 năm mong con, niềm vui chưa trọn thì chị Thia phát hiện con bệnh. Vợ chồng chị tạm gác công việc để đưa con lên TP HCM chữa trị. Mỗi lần đi khám, cả nhà chở nhau trên xe máy đi từ 3h sáng đến TP HCM lúc 9-10h để kịp khám và quay trở về trong ngày. Nhưng hơn 2 tháng đi về, bé vẫn chưa được phẫu thuật.
Vì thấy con bú kém, sụt cân nhiều hơn, chị Thia đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Tại đây, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch cho biết, bé Vi Sal đến khám với biểu hiện thở nhanh, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, bú kém, suy dinh dưỡng, gần 4,5 tháng tuổi chỉ nặng chỉ 5,7 kg.
Kết quả siêu âm tim cho thấy bé có lỗ thông liên thất lớn (8,5x10 mm) với buồng tim trái dãn, lưu lượng máu lên phổi tăng, áp lực động mạch phổi trung bình lên đến 41 mmHg (cao gấp 2-3 lần bình thường). Đồng thời, bé cũng xuất hiện tình trạng tăng sinh mô đường thoát thất phải (đường dẫn máu từ thất phải lên động mạch phổi) kèm lá van động mạch phổi dày gây tổn thương phổi. Thêm vào đó, bé có bất thường bẩm sinh hiếm gặp của van hai lá (Hammock valve) dẫn đến hạn chế hoạt động của van. Vòng van hai lá cũng bị dãn do buồng thất trái dãn (vì thông liên thất lớn) nên càng làm hở van hai lá nhiều hơn.
"Bé cần phẫu thuật trước 6 tháng tuổi. Nếu để qua 'thời điểm vàng’'thì khả năng hồi phục sẽ kém hơn, thậm chí không thể can thiệp được do tổn thương mạch máu phổi không hồi phục", bác sĩ Thủy nói.
Ngay sau đó, bé Vi Sal được nhập viện và nhanh chóng được phẫu thuật. ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, cùng êkip vá lỗ thông liên thất bằng một mảnh màng ngoài tim của chính bệnh nhi, sửa lại đường máu lên phổi và sửa van hai lá. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật kết thúc thành công. Kết quả siêu âm tim qua thực quản kiểm tra trước khi khâu vết mổ cho thấy lỗ thông liên thất được vá kín, không còn hẹp đường thoát thất phải, áp lực động mạch phổi giảm, tình trạng hở van hai lá cải thiện.
Bác sĩ Viên cho biết, bé Vi Sal bị suy dinh dưỡng nặng, cùng lúc mang nhiều bất thường ở tim, nghiêm trọng nhất là tăng áp phổi và suy tim. Vì vậy êkip chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cho cuộc mổ như: hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, đội ngũ phẫu thuật viên, gây mê hồi sức dày dặn kinh nghiệm mổ tim nhi. Bé được gây mê kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau sau mổ. Thời gian cuộc mổ được rút ngắn, giảm thời gian chạy hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhi cai máy thở sớm.
Vi Sal rời phòng hồi sức sau 3 ngày, không đau và khỏe mạnh xuất viện sau một tuần, tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ.
Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện bằng viêm hô hấp tái đi tái lại, khò khè, hoặc ăn bú kém, chậm lên cân nên dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp, tiêu hóa khác. Do đó, đôi khi trẻ được phát hiện bệnh tim khi kiểm tra trước tiêm chủng hoặc đi khám vì bệnh lý khác. Bác sĩ Thủy khuyến nghị, khi con có biểu hiện như thở nhanh, thở khò khè, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, chậm tăng cân, xanh xao...; tím môi, đầu ngón tay-chân, tăng nặng khi khóc, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tim mạch.
"Triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh có thể từ kín đáo đến biểu hiện rõ như suy tim, tím nặng,... Việc chủ động tầm soát bệnh giúp điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Thu Hà
Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh