Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ số ABI (tỷ số giữa huyết áp động mạch cổ chân và huyết áp động mạch cánh tay) của ông Ngô Phong (77 tuổi, ngụ Củ Chi, TP HCM) còn 0,6 ở chân phải và 0,5 ở chân trái. Chỉ số này giảm 50% so với người bình thường (ABI bằng 1), cho thấy hai chân thiếu máu rất nặng. Tiến hành siêu âm và chụp CT tìm nguyên nhân gây thiếu máu ghi nhận động mạch đùi nông (động mạch gần bề mặt da, cung cấp máu nuôi chân) gần như tắc hoàn toàn đoạn dài đến 10-15 cm ở cả hai bên chân.
Ông Phong có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Một tháng trước khi nhập viện, ông thường đau cách hồi khi đi bộ khoảng 10 m, vùng cẳng chân, bàn chân lạnh, mệt mỏi, ăn uống kém.
Khi các động mạch trong cơ thể bị hẹp, tắc khiến lưu lượng máu cung cấp cho bàn chân giảm, thiếu máu dẫn đến tình trạng lạnh bàn chân. "Nếu không tái thông mạch máu kịp thời, chân không được cấp máu nuôi trong thời gian dài, mô bị chết dần (hoại tử), bệnh nhân có nguy cơ phải cắt chân", TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết.
Theo bác sĩ Dũng, có hai phương pháp phổ biến trong điều trị tắc động mạch chi dưới gồm nong mạch đặt stent và phẫu thuật bắc cầu. Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi, mạch máu bị xơ vữa nặng đến mức đông cứng, không thể đưa ống thông vào đặt stent. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật bắc cầu động mạch đùi khoeo tái thông dòng máu nuôi chân cho ông Phong.
Đầu tiên, bác sĩ phá van tĩnh mạch hiển tại chỗ (tĩnh mạch có van một chiều để đưa máu từ bàn chân trở ngược về tim). Sau đó, bác sĩ tạo cầu nối đầu trên tĩnh mạch hiển vào động mạch đùi trên, đầu dưới nối vào động mạch khoeo (sau chỗ tắc của động mạch đùi) để dẫn máu theo chiều từ trên đùi xuống dưới bàn chân (thay vì đi hướng ngược lại). Đây là phương pháp hiện đại được ưu tiên áp dụng trong phẫu thuật bắc cầu động mạch đùi. Chuyên gia không cần lấy mạch máu rời từ nơi khác mà sử dụng chính tĩnh mạch hiển tại chỗ để làm cầu nối. Ưu điểm của kỹ thuật này là đơn giản hóa quá trình phẫu thuật, mạch máu ít có nguy cơ tắc hẹp sau mổ.
Để thực hiện kỹ thuật này phòng mổ cần trang bị dụng cụ phá van và máy móc hiện đại. Đồng thời, phẫu thuật viên thao tác phá van chuẩn xác, tránh suy van dẫn đến phù chân, loét chân khó lành.
Sau phẫu thuật, ông Phong có thể tập đi những bước nhẹ nhàng. Vết mổ lành nhanh, máu nuôi chân lưu thông tốt, chân ấm lên, hồng hào. Song song, ông tập vật lý trị liệu để nhanh hồi phục.
Bác sĩ Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây tắc động mạch chi dưới xuất phát từ các bệnh lý tim mạch như: rối loạn mỡ máu, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, phình tắc động mạch... Để phòng bệnh, mỗi người cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu; tập thể dục thường xuyên, tránh thừa cân béo phì; không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; điều trị kiểm soát mỡ máu... Bệnh nhân xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp... cần kiểm tra bàn chân thường xuyên, phát hiện vết thương, vết loét, phồng rộp, thay đổi màu sắc... phải đi khám ngay.
Thu Hà