Trong lễ động thổ trung tâm huấn luyện trị giá 3,5 triệu USD hôm 25/6, đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim nói trung tâm huấn luyện hàng hải sẽ là một phần trong "nỗ lực không ngừng" của hai nước nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.
"Là bạn và đối tác của Indonesia, Mỹ cam kết hỗ trợ vai trò quan trọng của nước này trong duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực thông qua hoạt động chống tội phạm trong nước và xuyên quốc gia", cảnh sát biển Indonesia (Bakamla) cho biết trong thông cáo ngày 26/6.
Bakamla cho biết trung tâm huấn luyện nằm tại Batam thuộc quần đảo Riau, điểm tiếp giáp chiến lược giữa eo biển Malacca và Biển Đông. Trung tâm huấn luyện này gồm các lớp học, doanh trại cùng bãi phóng và sẽ do Bakamla điều hành.
Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tăng cường hiện diện tại Biển Đông với các đợt điều động chiến hạm đi qua và diễn tập ở khu vực này trong bối cảnh căng thẳng tại đây leo thang.
Trung Quốc hồi đầu năm điều hàng trăm tàu vỏ sắt tới neo đậu và hoạt động tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời điều vận tải cơ và tàu hải cảnh áp sát vùng trời, vùng biển Malaysia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Indonesia tăng chi tiêu quốc phòng và đề xuất khoản ngân sách 124 tỷ USD trong 5 năm, mức tăng đáng kể so với khoảng 38,8 tỷ USD trong 5 năm trước. Nước này hồi giữa tháng 6 ký hợp đồng mua 6 Hộ vệ hạm Đa năng châu Âu (FREMM) và hai hộ vệ hạm lớp Maestrale đã qua sử dụng.
Indonesia tuyên bố không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, song các lực lượng trên biển của nước này thường xuyên chạm mặt tàu cá, chiến hạm và tàu công vụ của Trung Quốc gần quần đảo Natuna.
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia chồng lấn với cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm nêu yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.
Trung Quốc cũng tuyên bố có "quyền đánh cá lịch sử" ở vùng biển phía bắc quần đảo Natuna, tạo cớ để các đội tàu cá cùng tàu hải cảnh thường xuyên hiện diện tại khu vực này.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)