Trong cuộc hội đàm hôm 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi "kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
Bộ trưởng Kishi cho biết Nhật Bản và Indonesia đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và sẽ tiến hành một diễn tập chung ở Biển Đông nhằm "phản đối mạnh mẽ" các động thái của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Hai bộ trưởng quốc phòng còn dự kiến ký một thỏa thuận cho phép Indonesia mua thiết bị quốc phòng của Nhật Bản.
Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định dù chi tiết về cuộc diễn tập chung với Nhật Bản chưa được công bố, chúng "nhiều khả năng diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia". "Điều này nhấn mạnh ý định bảo vệ các quyền chủ quyền của Indonesia, đặc biệt ở vùng biển quanh quần đảo Natuna", Storey nói.
Nhật Bản và Indonesia đã tổ chức một cuộc diễn tập hàng hải ở phía tây quần đảo Natuna hồi tháng 10/2020, với sự tham gia của tàu sân bay trực thăng JS Kaga, khu trục hạm JS Ikazuchi cùng hộ vệ hạm cỡ nhỏ KRI Sutanto và KRI John Lie.
Storey cho biết cuộc diễn tập chung sắp tới sẽ nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẵn sàng "tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực" cho các quốc gia Đông Nam Á trong khu vực Biển Đông, nơi Toyko ngày càng lo ngại "hành động ngày một hung hăng" của Bắc Kinh.
Indonesia không tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, song một số vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này quanh quần đảo Natuna chồng lấn với yêu sách đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vẽ ra.
Thông tin về cuộc diễn tập được công bố sau khi đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc tới neo đậu và hoạt động trái phép trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines đã gửi công hàm phản đối đội tàu trên cho Trung Quốc.
Natalie Sambhi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu độc lập Verve Research có trụ sở ở Australia, nhận định cuộc diễn tập chung của Indonesia và Nhật Bản có thể là "hành động thách thức Trung Quốc" nếu diễn ra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Sambhi cũng cho rằng thỏa thuận mua khí tài Nhật Bản có vai trò rất quan trọng với Indonesia, trong bối cảnh nước này cần nâng cấp năng lực phòng thủ trên biển.
"Tôi cho rằng thỏa thuận mua bán khí tài giữa hai nước sẽ gồm các gói nâng cấp hải quân, không quân và cả cảnh sát biển", ông nói. "Indonesia có thể không sánh được Trung Quốc về số lượng tàu hải quân hoặc cảnh sát biển. Tuy nhiên, việc trang bị khí tài tiên tiến và tham gia diễn tập với các nước như Nhật Bản có thể mang lại cho họ cảm giác tự tin khi xảy ra biến cố".
Nhật Bản hồi tháng 2/2020 tặng cho Indonesia một tàu tuần tra, song nước này cần nhiều phương tiện hơn để giám sát vùng biển rộng lớn xung quanh. "Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) cho biết họ sở hữu 10 tàu tuần tra và cần tới 77 chiếc. Những con số này cho thấy bất cứ sự nâng cấp nào cũng đều có thể hữu ích cho Indonesia", Sambhi cho biết.
Indonesia hy vọng có thể được chuyển giao công nghệ sản xuất thay vì chỉ mua vũ khí từ Nhật Bản thông qua việc xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, theo chuyên gia Storey. Trong khi đó, Nhật Bản cũng muốn thúc đẩy các thương vụ vũ khí ở Đông Nam Á.
Storey dự đoán Indonesia sẽ ưu tiên mua máy bay tuần thám hàng hải từ Nhật Bản, thay vì các khí tài như tàu ngầm, chiến hạm mặt nước hay xe tăng.
"Indonesia muốn phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước và quan tâm đến các thương vụ chuyển giao công nghệ hơn là mua trực tiếp thiết bị quân sự nước ngoài", chuyên gia này nhận định. "Tuy nhiên, Nhật Bản lại tỏ thái độ miễn cưỡng chia sẻ công nghệ quốc phòng của mình cho các nước khác".
Tuy nhiên, cuộc diễn tập chung với Nhật Bản không đồng nghĩa với việc Indonesia sẽ thúc đẩy nỗ lực gia nhập nhóm Bộ Tứ, bao gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản, theo Gilang Kembara, chuyên gia thuộc chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Indonesia.
"Một cuộc diễn tập chung giữa Indonesia và Nhật Bản không có khả năng tác động mạnh đến các động lực địa chính trị trong khu vực. Một số quốc gia có thể thắc mắc về cuộc diễn tập và yêu cầu giải thích, nhưng nó khó tạo ra tác động lớn như cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Australia ở Biển Đông hồi năm ngoái", Gilang cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)