Trong cuộc họp báo ngày 2/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nhóm vận tải cơ hoạt động gần không phận Malaysia hôm 31/5 đang tiến hành "hoạt động huấn luyện thường lệ của không quân Trung Quốc" và "không nhằm vào bất cứ quốc gia nào".
"Trong thời gian huấn luyện, không quân Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và không xâm nhập không phận của các quốc gia khác", ông Uông nói và cho biết Trung Quốc đã trao đổi với Malaysia về vấn đề này.
Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia cũng đưa ra thông điệp tương tự, khi tuyên bố "máy bay quân sự Trung Quốc được hưởng quyền bay tự do trong vùng trời liên quan".
Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 1/6 cho biết sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về việc các máy bay quân sự Trung Quốc "xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Malaysia".
Quân đội Malaysia ngày 31/5 thông báo phát hiện "các hoạt động đáng ngờ" khi đội hình gồm 16 vận tải cơ Il-76 và Y-20 của Trung Quốc áp sát và "gần như xâm phạm" không phận Malaysia.
Nhóm máy bay Trung Quốc hoạt động ở khu vực cách bờ biển bang Sarawak trên đảo Borneo khoảng 60 hải lý (111 km) và không tuân theo chỉ dẫn của đài kiểm soát không lưu phụ trách vùng thông báo bay (FIR) Kota Kinabalu. Không quân Malaysia đã triển khai tiêm kích hạng nhẹ Hawk 208 xuất phát từ căn cứ không quân Labuan để giám xác và xác nhận hiện diện của nhóm máy bay Trung Quốc.
Một nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết quân đội nước này chỉ điều hai vận tải cơ đến Biển Đông để cung cấp nhu yếu phẩm cho binh sĩ đồn trú trái phép trên các thực thể thuộc chủ quyền Việt Nam.
"Sau khi hoàn tất nhiệm vụ tiếp tế hàng hóa, hai máy bay vận tải huấn luyện và diễn tập bay thích ứng để làm quen với thời tiết và các tình huống trên Biển Đông", nguồn tin cho biết.
Trung Quốc vẽ ra cái gọi là "đường 9 đoạn" và nêu yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp trái phép nhiều đảo nhân tạo cùng các đường băng cỡ lớn, đủ cho vận tải cơ cất hạ cánh tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đợt áp sát không phận Malaysia của vận tải cơ Trung Quốc diễn ra hơn một năm sau khi tàu công vụ của hai nước đối đầu trên Biển Đông. Tàu hải cảnh Trung Quốc khi đó bám đuôi và quấy rối tàu thăm dò dầu khí West Capella của tập đoàn Petronas Malaysia ngoài khơi đảo Borneo.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)