Trong thông cáo ngày 15/6, hãng đóng tàu Italy Fincantieri cho biết Indonesia đã ký hợp đồng mua 6 Hộ vệ hạm Đa năng châu Âu (FREMM) và hai hộ vệ hạm lớp Maestrale đã qua sử dụng. Hải quân Indonesia sẽ tiếp nhận và biên chế hai hộ vệ hạm Maestrale sau khi quân đội Italy loại biên chúng.
Hãng Fincantieri cho biết thỏa thuận "mang tính quan trọng hàng đầu" trong tăng cường hợp tác giữa Indonesia và Italy tại khu vực chiến lược thuộc Thái Bình Dương. Fincantieri không tiết lộ giá trị hợp đồng ký với Indonesia cũng như lộ trình thực hiện.
Tài liệu rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết cơ quan này sẽ đề xuất khoản ngân sách quân sự 124 tỷ USD trong 5 năm, mức tăng đáng kể so với khoảng 38,8 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng trong 5 năm trước.
Thỏa thuận mua 8 hộ vệ hạm châu Âu của Indonesia được công bố sau vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala số hiệu 402 ngoài khơi nước này, khiến 53 thủy thủ thiệt mạng. Giới chuyên gia nhận định thỏa thuận mua sắm phản ánh mối lo ngại của Indonesia về năng lực bảo vệ lợi ích hàng hải bằng hạm đội già nua trước sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Muhamad Haripin, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị của Viện Khoa học Indonesia, cho biết thỏa thuận mua 8 hộ vệ hạm của nước này thể hiện sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia châu Âu vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Các nước châu Âu đang dần điều chỉnh theo chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhằm ứng phó với Trung Quốc", Muhamad nói. "Indonesia cũng cần khẩn cấp bổ sung tàu tuần tra để giám sát đường bờ biển dài 54.000 km và vùng biển rộng lớn của mình".
"Indonesia lo ngại về hành động ngày một quyết liệt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi Jakarta tiếp tục giám sát hành vi của Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á cùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Indonesia nhận thức được cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ảnh hưởng đến ổn định trong khu vực, song không muốn tham gia trực tiếp", chuyên gia này nhận định.
Indonesia tuyên bố không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, song các lực lượng trên biển của nước này thường xuyên chạm mặt tàu cá, chiến hạm và tàu công vụ của Trung Quốc gần quần đảo Natuna.
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia chồng lấn với cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm nêu yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.
Trung Quốc cũng tuyên bố có "quyền đánh cá lịch sử" ở vùng biển phía bắc quần đảo Natuna, tạo cớ để các đội tàu cá cùng tàu hải cảnh thường xuyên hiện diện tại khu vực này.
Hộ vệ hạm lớp FREMM do Italy và Pháp hợp tác chế tạo, có lượng giãn nước 6.000-6.700 tấn, chiều dài 132,5-144,6 m và tốc độ tối đa 50-56 km/h tùy phiên bản. Chiến hạm được trang bị cụm ống phóng 16 hoặc 32 tên lửa, pháo hải quân 76 mm và có thể mang theo tới hai trực thăng hải quân.
Hộ vệ hạm lớp Maestrale của Italy có lượng giãn nước 3.040 tấn, chiều dài 114-122,7 m tùy phiên bản với tốc độ tối đa 61 km/h. Chiến hạm này được trang bị 4 cụm ống phóng chứa hai tên lửa chống hạm Otomat Mk.2, một pháo hải quân 127 mm, hai ống phóng ngư lôi 533 mm và hai cụm ống phóng ba ngư lôi 324 mm.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)