Bà Chi không đau nhiều sau khi ngã, bác sĩ chẩn đoán gãy cổ xương đùi, chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Ngày 18/4, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Chi mắc bệnh lý teo cơ và loãng xương nên khó giữ thăng bằng, dễ ngã gãy xương. Gãy cổ xương đùi (vị trí giữa chỏm xương đùi và khối mấu chuyển) thường gặp ở người lớn tuổi.
Người trẻ khi gãy cổ xương đùi thường được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương (sử dụng vật liệu cơ học để cố định các đầu xương gãy, tạo điều kiện cho quá trình liền xương) nhờ xương có độ chắc khỏe cao, khả năng hồi phục nhanh chóng. Với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh xương khớp như bà Chi, nếu mổ kết hợp xương thì tỷ lệ lành thấp. Các bác sĩ quyết định thay khớp háng bán phần cho bà bằng phương pháp ít xâm lấn. Tuy nhiên, bệnh nhân có nhiều cục máu đông ở tĩnh mạch chi dưới do nằm một chỗ nhiều ngày nên chưa thể phẫu thuật vì nguy cơ biến chứng thuyên tắc phổi, suy hô hấp trong và sau mổ cao. Bà Chi được chuyển khoa Tim mạch điều trị.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở chân. Các nguyên nhân phổ biến gồm máu bị ứ trệ không trở về tim được, lớp nội mạc của mạch máu bị tổn thương, cơ chế tăng đông máu của cơ thể dẫn đến tăng khả năng hình thành huyết khối. Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây tắc mạch phổi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, hô hấp. BS.CKI Hoàng Thị Bình, khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá bà Chi may mắn khi huyết khối chưa di chuyển lên gây tắc mạch máu phổi.
Bác sĩ Bình sử dụng thuốc kháng đông đường tiêm cho bà Chi để phòng hình thành thêm huyết khối, đồng thời thúc đẩy những cục máu đông tan theo cơ chế tự tiêu của cơ thể. Sau ba ngày tình trạng huyết khối được kiểm soát, êkíp phẫu thuật cho bà.

Bác sĩ Bình hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Hạ Vũ
Bác sĩ Học đánh giá thay khớp háng bán phần bằng đường mổ SuperPath là kỹ thuật thay khớp bằng đường mổ ngắn, không cắt cơ. Thời gian phẫu thuật rút ngắn, ít mất máu, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Sau mổ một ngày, người bệnh đi lại bình thường với khung tập đi, không đau đớn nhiều như phương pháp truyền thống.
Bà Chi tập vật lý trị liệu từ ngày đầu tiên sau mổ để tránh biến chứng loét, tì đè do nằm lâu, ngăn ngừa huyết khối. 5 ngày sau, bà tự đi lại với sự trợ giúp của khung tập đi. Bác sĩ tiếp tục kê toa thuốc kháng đông cho bà, căn dặn tái khám định kỳ để theo dõi bất thường (nếu có).
Để ngăn ngừa bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, bác sĩ Bình khuyến cáo mỗi người cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và vận động hợp lý. Khi phải ngồi trong thời gian dài (làm việc bàn giấy hoặc ngồi ô tô, máy bay), hãy cố gắng đứng dậy và đi bộ sau mỗi 1-2 giờ ngồi liên tục. Thường xuyên cử động chân, mắt cá chân và ngón chân. Chọn quần áo thoải mái, không gây chèn ép cơ thể nhất là khi đi xa. Uống nhiều nước để không bị mất nước, giúp máu lưu thông tốt. Những bệnh nhân nằm viện lâu nên thay đổi tư thế, vận động chân tay thường xuyên và đứng dậy đi lại, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng vớ áp lực ngắt quãng.
Khi xuất hiện các triệu chứng như sưng ở một bên chân, đau, chuột rút, da có màu đỏ hoặc xanh, vùng da ấm hoặc trở nên nhạy cảm, người bệnh nên đi khám sớm.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |