Bà Thanh điều trị bằng thuốc chống đông hai năm qua, nay chân trái tăng kích thước, đau tức, nổi nhiều tĩnh mạch dưới da. Ngày 24/8, BS.CKII Nguyễn Thu Trang, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân mắc hội chứng May Thurner khiến động mạch chậu phải đè ép lên tĩnh mạch chậu trái làm gián đoạn lưu thông máu. Tình trạng nặng tiến triển thành hội chứng hậu huyết khối, điều trị nội khoa không hiệu quả. Cách điều trị triệt để là đặt stent tĩnh mạch giải phóng chèn ép tĩnh mạch chậu.
Huyết khối mạn tính thường rất dai và chắc, nếu không cẩn trọng, có thể gây rách thành mạch máu khi đưa dụng cụ qua đoạn tắc mạn tính. Đoạn tĩnh mạch chậu chung trái của bà Thanh tắc hoàn toàn nên êkíp không thể đưa dụng cụ lên. Vì vậy, bác sĩ tiếp cận từ tĩnh mạch đùi bên phải để đi ngược sang bên trái.
Sau hơn ba tiếng, êkíp đặt stent tĩnh mạch thành công, bà Thanh xuất viện sau một ngày, kết quả tái khám cho thấy các tĩnh mạch dưới da ở vùng hạ vị giảm hơn 80%. Người bệnh không còn cảm giác nặng chân, tức vùng bụng dưới.
Nhiều bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có hội chứng May Thurner. Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới do mang thai, sinh con tăng áp lực vùng bụng khiến tuần hoàn hạn chế, nguy cơ cao tiến triển thành huyết khối.
Bác sĩ Trang cho biết trước đây hội chứng May Thurner mức độ nặng hoặc có các biến chứng huyết khối thường phải phẫu thuật, người bệnh mất nhiều thời gian hồi phục. Hiện, đặt stent tĩnh mạch là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, tối ưu hiệu quả điều trị. Ngoài áp dụng cho bệnh nhân May Thurner, stent tĩnh mạch còn thích hợp cho người tắc nghẽn tĩnh mạch do bất thường giải phẫu hoặc hẹp, tắc do chèn ép.
Bệnh nhân được xuất viện sau 1-2 ngày, dùng thuốc chống đông trong vài tháng và duy trì aspirin để stent ổn định. Người bệnh cần ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý, tái khám định kỳ.
Ly Nguyễn
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi