Những sợi gân xanh nhỏ bằng sợi chỉ ban đầu nổi ngoằn nghèo dưới bắp chân và đùi của bà Tiên, vài năm sau to ra và nhiều hơn. Bà mỏi chân vào buổi chiều, đêm ngủ hay bị chuột rút, những đường gân gồ ghề nổi rõ trên bề mặt da.
Ngày 23/12, ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Tiên đến viện trong tình trạng đau nhức chân từng cơn. Các búi tĩnh mạch nổi rõ ở cẳng chân, da vùng mặt trong đùi trái bị viêm, sưng đỏ, sờ thấy cục lổn nhổn khoảng 5-10 mm kèm thay đổi màu sắc da. "Bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới cấp độ C4, tức các mạch máu bị giãn, xoắn, phình ra ngay dưới bề mặt da, máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không trở về tim như bình thường", bác sĩ Hải giải thích.
C4 là cấp độ nặng của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch (nặng nhất là C6). Ở giai đoạn này, người bệnh bị sưng phù, cảm giác nặng nề ở chân hoặc mắt cá chân. Vùng tĩnh mạch nông giãn hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây thuyên tắc phổi, loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối, đau chân, phù nề chân kéo dài.
ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay suy tĩnh mạch chi dưới giai đoạn một có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, mang vớ tĩnh mạch, thay đổi lối sống. Người mắc bệnh giai đoạn hai cần áp dụng nhiều phương pháp can thiệp như chích xơ, laser tĩnh mạch hoặc bơm keo sinh học Venaseal.
Bà Tiên được chỉ định đốt laser tĩnh mạch. Bác sĩ đưa một sợi laser vào tĩnh mạch bị suy, năng lượng phát ra được chuyển thành nhiệt năng làm co rút, teo đoạn tĩnh mạch hư, ngăn dòng máu chảy ngược vào tĩnh mạch suy. Dòng máu về tim được chuyển hướng qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác.
Trong quá trình can thiệp, bác sĩ sử dụng dụng cụ đặc biệt để bóc các tĩnh mạch giãn và loại bỏ những cục huyết khối tại chỗ (phẫu thuật Muller). Kỹ thuật Muller thường được thực hiện kết hợp với các phương pháp nội tĩnh mạch (như laser hoặc sóng cao tần) để tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Sau can thiệp, người bệnh có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, xuất viện ngay trong ngày.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo sau can thiệp điều trị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh cần hạn chế ngồi lâu, đứng lâu. Trường hợp không thể thay đổi tính chất công việc nên đeo vớ áp lực tĩnh mạch, sau 30-45 phút phải thay đổi tư thế. Chế độ ăn cần bổ sung nhiều rau, củ, quả, giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm áp lực vùng hậu môn và chân khi đi đại tiện. Người bệnh hạn chế thức ăn nhanh, tránh ăn mặn, không uống rượu bia, hút thuốc lá...
Bác sĩ Hải lưu ý suy giãn tĩnh mạch có các triệu chứng điển hình nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh - cột sống, rạn da (thường gặp ở bà bầu, phụ nữ sau sinh hoặc sau giảm cân ở người béo phì). Người có triệu chứng cảnh báo bệnh như nặng, mỏi chân, đau chân (tập trung vùng cẳng hoặc vùng đùi), tê chân, chuột rút, cảm giác kiến bò hoặc nóng ran ở lòng bàn chân khi ngủ buổi tối... nên đi khám ngay.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |