Trả lời:
Cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi khi mang thai. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp. Do sự giãn nở của hệ thống tuần hoàn, mạch máu phải mở rộng để đưa máu vào lòng tử cung nuôi thai nhi, khiến huyết áp giảm xuống. Đây là hiện tượng rất phổ biến và hoàn toàn bình thường. Huyết áp thai phụ có thể ở mức thấp trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, sau đó tăng trở lại trong tam cá nguyệt thứ ba.
Bạn đang mang thai 10 tuần. Nếu huyết áp của bạn thường xuyên ở mức thấp (dưới 90/60 mmHg) và không biểu hiện triệu chứng thì bạn không cần lo lắng. Ngược lại, cơ thể bạn phản ứng với huyết áp thấp thông qua các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, đau ngực, khó thở, tăng nhịp tim, da tái xanh, thở nông, thở gấp..., đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một trong những nguy cơ chính đối với thai phụ bị huyết áp thấp là ngất xỉu. Một số mẹ bầu thay đổi tư thế đột ngột (từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi sang đứng) có thể bị ngất, gây té ngã nguy hiểm.
Huyết áp thấp nghiêm trọng, đột ngột trong tháng đầu thai kỳ kèm đau bụng hoặc ra huyết âm đạo bất thường có thể báo hiệu thai ngoài tử cung vỡ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, túi thai vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cho thấy huyết áp thấp liên tục khi mang thai còn liên quan đến tình trạng thai chết lưu.
Để ngăn ngừa những nguy cơ trên, bạn nên theo dõi chỉ số huyết áp hàng ngày bằng máy đo huyết áp tại nhà. Trường hợp huyết áp liên tục ở mức thấp kèm các dấu hiệu kể trên, bạn cần thăm khám chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ tìm nguyên nhân tiềm ẩn, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
Huyết áp thấp thai kỳ không có triệu chứng không cần điều trị bằng thuốc. Song bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà nhằm ổn định chỉ số huyết áp, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi:
Tránh thay đổi tư thế đột ngột: không đứng lên quá nhanh khi đang ngồi hoặc nằm; ngồi, nằm xuống nhẹ nhàng để tránh ngất xỉu; nằm nghiêng bên trái để tăng cường lưu lượng máu đến tim, giúp ổn định huyết áp.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Đảm bảo đủ 4 nhóm chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất); ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì dồn lại 3 bữa lớn; tăng lượng muối trong khẩu phần ăn (hỏi ý kiến bác sĩ để biết mức tăng như thế nào là phù hợp); uống đủ nước.
Mặc quần áo rộng: Tránh mặc trang phục bó sát vì có thể cản trở lưu thông máu gây chóng mặt, mệt mỏi. Nếu bạn có hiện tượng suy giãn tĩnh mạch thai kỳ, hãy mang vớ tĩnh mạch để cải thiện triệu chứng nhức mỏi chân.
Tập thể dục đều đặn: Bạn nên vận động tối thiểu 30 phút/ngày với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ chậm...
Mang theo đồ ngọt: Hãy "thủ" sẵn kẹo, bánh ngọt, chocolate bên mình để dùng khi tụt huyết áp đột ngột trước khi đến bệnh viện.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM