'Không đánh thì dạy con bằng cách nào?' - câu hỏi là nỗi trăn trở của rất nhiều ông bố, bà mẹ này lại chính là nguồn cơn tạo nên một tâm lý chung, khá phổ biến, đó là "đánh con là chuyện thường". Cũng chính bởi thế mà nhiều người hàng xóm cũng ít can thiệp khi thấy trẻ bị cha mẹ đánh mắng. Chỉ đến khi những vụ việc đánh con được nâng cấp lên thành bạo hành dẫn tới thương tật thì người ta mới bắt đầu giật mình, lên án, nhưng lúc đó mọi thứ đã là quá muộn.
Không có đứa trẻ nào mới được sinh ra ngoan sẵn cả. Quan trọng là các bậc cha mẹ có nghiêm khắc trong quá trình dạy dỗ con cái hay không? Và có rất nhiều cách để nghiêm khắc chứ không phải mỗi việc dùng đòn roi để đe nẹt. Thử hỏi một đứa bé mới chỉ 5 tuổi, nhận thức còn ít, thì làm sao có thể hiểu và phân biệt được đúng - sai? Việc cha mẹ đem người khác ra so sánh sẽ khiến một đứa trẻ vâng lời trở nên tự ti và một đứa trẻ ương bướng trở nên bất trị. Những tác động tâm lý này chúng ta sẽ không thấy ngay, mà phải tới khi con trưởng thành, những hệ lụy đó mới lộ rõ.
Theo tôi, cách dạy con tốt nhất là dạy từ ngay khi con mới biết đi, cầm tay chỉ bảo trực tiếp với con rằng cái gì không được làm hay không nên làm. Còn khi con bắt đầu có dấu hiệu hư, thì phải có hình phạt nghiêm khắc và tuyệt đối tuân theo hình phạt đó, không du di, nhân nhượng hay có lần hai, ba tái phạm.
>> Lúng túng trước nạn bạo hành
Ở nhà, tôi có một đứa cháu sống chung, cũng rất lì lợm, càng nói càng làm ngược lại với lời người lớn. Và tôi đã áp dụng những hình phạt như bắt úp mặt vào tường, nhịn ăn, cấm xem TV, điện thoại... (tuyệt nhiên không đánh đập) và kể từ đó, cháu cứ thấy tôi là không dám lì lợm, làm trái lời. Còn mẹ và bà do vẫn cứ nương tay, nửa vời nên đứa bé không sợ. Ngược lại, em họ tôi có lần lấy nón bảo hiểm ra dọa đánh con khi bé không nghe lời. Dù biết chỉ là dọa, nhưng tôi nhìn vậy cũng thấy rất khủng bố tinh thần đứa trẻ.
Ở đây, tôi đang phạt chính những cái trẻ đòi hỏi. Cụ thể, cháu không chịu ăn trưa thì tôi bắt nhịn ăn tới tối để bé hiểu được sự quý giá của bữa ăn. Những hình phạt khác như bắt úp mặt vào tường, là vừa đủ để răn đe trẻ, mà không ảnh hưởng tới thân thể của chúng. Theo những gì tôi thấy, có rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đánh đập, hù dọa con cái, nhưng hầu như rất ít người bắt con nhịn ăn vì tâm lý sợ con đói, trong khi thực tế đó là một hình phạt sẽ khiến trẻ tự động ăn và ăn rất nhanh trong bữa ăn tiếp theo.
Đem kinh nghiệm dạy trẻ thành công đó truyền đạt lại cho người em họ nhưng tôi chỉ nhận lại được một sự bảo thủ. Em nói sẽ vẫn dạy con theo kiểu từ trước tới giờ và đứa bé nhanh chóng lì lợm trở lại. Tới đây, tôi không còn dám can thiệp quá sâu nữa vì không phải con đẻ của mình. Nói vậy để thấy, dạy con không phải chuyện đơn giản, muốn làm thế nào cũng được. Nhưng nếu để những đứa con trở nên hư hỏng, khó bảo, thì đó là trách nhiệm của chính những bậc làm cha, làm mẹ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.