Theo dõi vụ việc cô giáo trường THCS Hùng Vương, TP Tuy Hòa bắt nam sinh lớp 8 nằm trên bàn đánh sáu roi do ngáp to trong giờ học, cùng nhiều ý kiến ủng hộ việc dùng đòn roi dạy dỗ trẻ, tôi thấy buồn cho tư tưởng của một bộ phận trong xã hội hiện đại.
Trước tiên, xin khẳng định, đánh đập chưa bao giờ là giải pháp giáo dục tốt. Các bạn cứ thử nghĩ lại xem, có bao giờ bạn thương yêu những người (thầy cô, bạn bè, thậm chí là bố mẹ) đã đánh bạn không thương tiếc lúc bạn còn nhỏ không? Tất cả những gì để lại sau những trận đòn chỉ là những vết hằn về mặt cảm xúc mà bạn không bao giờ muốn nhắc tới những người đó nữa.
Có nhiều cách thể hiện sự nghiêm khắc trong việc giáo dục học trò mà chẳng cần đập nát cây thước to bản như vậy. Đánh trẻ chỉ thể hiện sự bất lực, như một cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực của người lớn lên thân thể các em, chứ không giúp được các em hiểu được cái sai và tốt lên.
Bất cứ lúc nào bạn dùng toàn bộ lực tay của một con người, qua cây thước, vụt thẳng xuống học trò, thì tôi cho rằng trong đó không có chút gì gọi là "có tâm" cả. Đó chỉ là cách thỏa mãn cái cảm giác bề trên của người có quyền lực, và thể hiện sự bất lực trong kiềm chế cảm xúc mà thôi. Thầy, cô giáo mà không chế ngự được cảm xúc tiêu cực của mình thì tôi không tin các học sinh của người đó có thể nên người và phát triển đúng hướng.
>> 'Thầy cô ngày xưa đánh học sinh không phải để đau'
Học sinh có thể "mất dạy" (theo cách nói thô thiển trong nhiều trường hợp) nhưng thầy, cô chí ít cũng phải kiềm chế, nhẫn nại, chậm lại khoảng năm giây để hạ hỏa, và tìm biện pháp nghiêm khắc phù hợp dạy bảo học trò. Điều quan trọng nhất là phải để các em nhận ra lỗi lầm và sửa chữa chúng. Giáo viên không cần phải đối đầu, ăn thua đủ với học trò khi chúng quá khó bảo, chỉ cần làm hết trách nhiệm của mình là được. Đó mới là sự cân bằng về cảm xúc và chí ít cũng giúp giáo viên miễn nhiễm trước sự trái mắt hoặc tránh được các hậu quả không đáng có.
Khi thầy, cô đánh các học sinh trong tuổi vị thành niên trước mặt các bạn khác thì không khác gì một sự sỉ nhục với cái "tôi ẩm ương" của lứa tuổi đó. Nên việc các em phản kháng lại một cách tiêu cực cũng là điều bình thường. Chúng ta tiếp tục lên án học trò "mất dạy", nhưng quên rằng chính người lớn đã gieo một cái "nhân" rất xấu khi đánh đập trò thậm tệ. Tôi cho rằng những thầy, cô lạm dụng hình phạt đánh đập là những người giáo viên tồi.
Quá trình dạy học có vô vàn tình huống bất ngờ mà người làm công tác sư phạm phải cố gắng lường trước để cân bằng, và phản ứng lại một cách văn minh, phù hợp. Mục tiêu lớn nhất là để học trò nhớ lỗi chứ không phải cứ "điên" lên là đập nát cây thước.
Để rồi sau những trận đòn "đánh cho sướng tay" đó, nhẹ thì thầy cô phải xin lỗi phụ huynh, mất mặt và ảnh hưởng nặng nề tâm lý sau này; nặng thì có khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tóm lại, bạo lực là không đúng và không đáng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.