Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng, trong đó nguyên nhân do nam giới chiếm 40%, tương đương với tỷ lệ vô sinh ở nữ giới, 10% do cả nam và nữ, 10% không rõ nguyên nhân. Vô sinh ở nam giới có nhiều nguyên nhân, có thể do thể chất, lối sống, môi trường, trong đó thói quen hút thuốc lá có ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam Khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các chất có trong thuốc lá có thể tàn phá nhiều bộ phận cơ thể (phổi, gan, tim), cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, các chất độc hại này tác động tiêu cực đến số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng tỷ lệ tinh trùng dị tật, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến cho việc thụ thai diễn ra khó khăn.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Men’s Health năm 2015 cho thấy, nam giới thường xuyên hút thuốc lá có số lượng và chất lượng tinh trùng thấp hơn những người không hút thuốc khoảng 23%. Nguyên nhân là mỗi tế bào tinh trùng có hai loại protein là protamine 1 và protamine 2. Bình thường, số lượng hai loại protein này luôn ở mức cân bằng. Tuy nhiên ở người hút thuốc lá, số protamine 2 ít hơn rất nhiều so với bình thường. Sự mất cân bằng này khiến chuỗi ADN của tinh trùng dễ bị tổn thương, đứt gãy.
Các chuỗi ADN không còn giữ nguyên cấu trúc làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, tăng số lượng tinh trùng bị chết và dị tật. Nhiều nguyên cứu cho thấy, khi tinh trùng bị dị dạng tiêm vào một tế bào trứng, các tinh trùng này không có khả năng thụ tinh và nếu có thì tỷ lệ sẩy thai rất cao. Ngoài ra, tinh trùng cũng bị suy yếu, không đủ khả năng chống lại một lượng lớn các chất oxy hóa được sản sinh do hút thuốc.
Các chất oxy hóa có thể tác động trực tiếp gây ra sự phân mảnh ADN của tinh trùng cũng như làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tinh trùng, cản trở thụ thai. Ở những người đàn ông hút thuốc, khả năng di động của tinh trùng giảm 13% so với tinh trùng của những người không hút.
Đặc biệt, chất oxy hóa tấn công vào tất cả các cơ quan trên cơ thể và tế bào Leydig ở tinh hoàn cũng không ngoại lệ. Tế bào Leydig bị tổn thương dẫn đến quá trình sản xuất testosterone bị hạn chế, thiếu hụt, gây ảnh hưởng đến cả số lượng lẫn chất lượng tinh binh. Ngoài ra, thiếu testosterone còn gây ra tình trạng rối loạn tình dục như giảm ham muốn, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương..., là những yếu tố làm tăng tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nam giới.
Do đó, bác sĩ Phạm Xuân Long khuyến cáo nam giới, nhất là người trong độ tuổi sinh sản, cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Ước tính thời gian để tinh trùng phục hồi sau khi bỏ thuốc lá là khoảng 3 tháng.
Đồng thời, phái mạnh cần sử dụng bia rượu chừng mực, tránh tiếp xúc với các chất độc hại khiến testosterone suy giảm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chức năng sinh lý, sinh sản.
Nam giới cũng cần tập luyện thể chất điều độ, ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C như: hàu, thịt bò, hải sản, trứng, rau có lá màu xanh đậm... ; điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi; quan hệ tình dục đều đặn (3-5 lần/tuần) để sớm có tin vui.
Khi đã điều chỉnh tất cả những thói quen không tốt trên nhưng sau 12 tháng vợ chồng quan hệ bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn không có con thì nên thăm khám để sớm xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Quyên Phan