ThS.BS Võ Anh Minh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có 3 chỉ số cholesterol máu cần lưu ý là LDL (cholesterol "xấu"), HDL (cholesterol "tốt") và triglyceride (một loại chất béo có trong máu). Hàm lượng LDL cholesterol trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Những người có hàm lượng cholesterol cao, việc dùng thuốc điều trị kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường tập thể dục hay vận động nói chung rất cần thiết.
Tập thể dục có tác động nhiều nhất đến cholesterol trong cơ thể bằng cách tăng mức HDL và giảm chất béo trung tính (triglyceride). HDL cholesterol hoạt động như một "biệt đội dọn dẹp", giúp loại bỏ cholesterol "xấu" LDL ra khỏi thành mạch máu, đưa về gan để lọc bỏ.
Một đánh giá dựa trên kết quả của 35 nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa - Archives of Internal Medicine, những người tập thể dục trong 40 phút/ngày, 3-4 lần/tuần có mức tăng cholesterol HDL từ 2 đến 3 điểm chỉ trong vòng 8 tuần. Bài viết cũng nhấn mạnh, chỉ cần tăng thêm 10 phút tập thể dục, mức HDL có thể được cải thiện.
Theo bác sĩ Minh, tỷ trọng chất béo trung tính triglyceride cũng giảm khi tập thể dục thường xuyên. Trên thực tế, nếu một người có mức chất béo trung tính cao và bắt đầu tập thể dục thường xuyên, kết quả chỉ số này có thể giảm tới khoảng 20%.
Tổng lượng cholesterol trong máu của bạn có thể giảm nhẹ nhờ tập thể dục thường xuyên. "Dựa vào chỉ số mỡ máu, khi phân tích từng mức HDL, LDL và chất béo trung tính cụ thể, bác sĩ sẽ có những đánh giá cụ thể và hướng điều trị phù hợp", bác sĩ Minh nói.
Khi bạn tập thể dục, một buổi tập dài hay chỉ vài phút đi bộ nhanh đều giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong cơ thể. Nếu muốn tập thể dục để giảm cholesterol, sự thay đổi tích cực về chỉ số mỡ máu sẽ biểu hiện trong khoảng từ 4-12 tuần sau khi tập.
Bác sĩ Anh Minh khuyến khích việc duy trì lối sống vận động thường xuyên quan trọng hơn tập trung cố định vào một bài tập cụ thể. Điều đó có nghĩa là bạn có thể kết hợp các môn: đi bộ nhanh (ít nhất 4km mỗi giờ), bơi lội hoặc các bài thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe... Bên cạnh đó, một số bài tập như quần vợt, khiêu vũ cũng giúp đốt cháy năng lượng tương đương với đi bộ nhanh hoặc chạy.
Lượng thời gian bạn dành cho việc tập thể dục quan trọng hơn việc lựa chọn bài tập. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, trên thế giới, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người không đáp ứng được mức độ hoạt động thể chất được khuyến nghị toàn cầu.WHO cũng khuyên người trưởng thành nên dành từ 150 phút (2 tiếng rưỡi) hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần.
Nếu đã tập đủ thời lượng theo khuyến nghị nhưng vẫn cần giảm cholesterol, bạn có thể tăng thời gian tập và thêm một số bài tập giảm cân. Khi không có thời gian tập liên tục, bạn có thể chia nhỏ thành nhiều lần tập khác nhau trong ngày, trong tuần. Những lần vận động ngắn cũng rất quan trọng đặc biệt ở những người ít vận động. Điều này cũng góp phần vào hoạt động thể chất tổng thể của bạn trong suốt cả ngày hoặc cả tuần.
Bác sĩ Minh chia sẻ một số mẹo tập thể dục khác để giảm cholesterol hiệu quả hơn:
Luôn luôn kết hợp hoạt động thể chất với chế độ ăn uống lành mạnh để giảm cholesterol.
Trao đổi cụ thể với bác sĩ điều trị về kế hoạch tập thể dục của bạn, đặc biệt những người chưa quen với hoạt động thể chất.
Bạn có thể chọn loại bài tập phù hợp dựa trên sức khỏe tổng thể và lối sống của mình.
Có thể rèn luyện thói quen tập thể dục như một hoạt động thường thức trong gia đình để bạn có động lực tập luyện hơn.
Bảo Bảo