(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Vài ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nổ ra những tranh luận trái chiều về vấn đề "có nên xã hội hóa trường chuyên" hay "có nên bỏ trường chuyên"? Có những ý kiến khác nhau, người kêu gọi giữ, người kêu gọi bỏ. Và những lập luận của họ, tuy rằng khá chắc chắn, sắc bén, nhưng có nhiều trường hợp, họ đang hiểu sai bản chất, nhìn nhận một cách chưa đúng về trường chuyên.
Từng là một cựu học sinh trường chuyên, trải qua nhiều những trải nghiệm thực tế, tôi có vài quan điểm như sau:
1. Nhiều phụ huynh, người dân đang nhìn nhận chưa thật chính xác về trường chuyên:
Theo định nghĩa mà chúng ta hiểu lâu nay, quy định tại Luật Giáo dục 2019, "trường chuyên" là một loại hình trường học được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Còn hiểu theo định nghĩa đơn giản, "trường chuyên" là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên.
Dù hiểu theo định nghĩa nào, nhưng chung quy lại, chúng ta chỉ cần hiểu cái cốt lõi của mô hình trường chuyên là nơi bồi dưỡng, đào tạo các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về một hoặc một số môn khoa học, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, rất nhiều người đang nhìn nhận sai và hiểu sai về trường chuyên, cho rằng trường chuyên là nơi sản sinh ra "gà nòi", học sinh ở đó học lệch, không được phát triển toàn diện, chỉ vùi đầu học 2-3 môn chính, các môn kia hầu như bỏ bê. Sau đó là các cuộc chạy đua về thành tích, giải thưởng... dẫn đến cái áp lực học tập vô cùng căng thẳng.
Có những ý kiến cho rằng, trường chuyên là "lò luyện thi", rồi mai đây ra cuộc sống, học sinh trường chuyên không thành công bằng những học sinh ở trường bình thường, thậm chí thua cả một người học bổ túc. Có một số phụ huynh ngăn cản con mình thi vào chuyên, đơn giản chỉ vì lo ngại con mình học lệch và học chuyên sẽ "đánh cắp tuổi thơ của con", rồi cũng có ý kiến cho rằng "trường chuyên là trường của học sinh nhà giàu, học sinh nhà nghèo ít có cửa vào trường chuyên".
>> Từ học sinh giỏi trường chuyên thành sinh viên kém
Còn một bộ phận khác, họ coi việc vào được trường chuyên như một thứ danh hiệu đáng quý. Phụ huynh tìm cách cho con phải đỗ bằng được vào trường chuyên, vừa để tạo ra môi trường học tập tốt cho con, nhưng lý do quan trọng hơn là để họ nở mày nở mặt với bạn bè, người thân, họ hàng. Rằng "con tôi đỗ trường chuyên này đấy", "con tôi giỏi thế này cơ mà"...
Tôi từng bắt gặp nhiều trường hợp chỉ cần đỗ trường chuyên là bắt đầu sao nhãng, chỉ cần học đủ cho qua môn, rồi khi xét tuyển đại học, nhiều trường ưu tiên xét tuyển học sinh trường chuyên, chúng chỉ cần đem cái học bạ kèm giấy xác nhận học sinh trường chuyên là coi như có vé thông hành vào đại học. Cái danh hào nhoáng của trường chuyên lớn đến nỗi, các bố, các mẹ tìm cách bắt ép con mình học ngày, học đêm, cố phải học môn này để thi vào lớp chuyên này dù cháu thật sự không có hứng thú học. Rồi còn có cả những tiêu cực ngầm trong đó...
Tất cả xuất phát từ cách hiểu sai của rất nhiều phụ huynh về trường chuyên. Bởi lẽ, đã theo học chuyên thì cần phải thật sự đam mê, có nhiệt huyết và có hứng thú theo đuổi với môn chuyên mình học chứ không phải để lấy cái mác, và cũng không phải để trở thành những con gà nòi. Cái mục đích cao đẹp của trường chuyên chính là bồi dưỡng nhân tài, nơi tập trung những giáo viên cốt cán, ưu tú và có kinh nghiệm chuyên sâu về một môn khoa học nào đó, tạo ra môi trường thuận lợi nhất, không gian học tập tốt nhất cho việc học tập của học sinh. Để mai đây, các cháu chính là những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư... - những cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trường chuyên không dành cho những người chỉ muốn lấy cái mác mà không có sự nỗ lực nghiên cứu, phấn đấu. Mặt khác, ai cũng có quyền được học tập, nếu thật sự đam mê thì có thể thi vào và học trường chuyên, học sinh nghèo còn được nhiều chế độ ưu đãi. Không chỉ có thế, những học sinh trường bình thường, qua các kỳ thi học sinh giỏi, họ vẫn được sàng lọc, lựa chọn vào đội tuyển và giáo viên trường chuyên sẽ là những người vun đắp để các em dự kỳ thi ở cấp cao hơn, để những tố chất và đam mê trong các em không bị mất đi...
Những thành tích mà học sinh Việt Nam có được trên trường quốc tế đều chiếm một phần rất lớn từ các trường chuyên, những tấm huy chương làm rạng danh nước nhà, thể hiện tinh thần dân tộc. Vậy nên mà Nhà nước ta mới ban hành Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên, coi mô hình trường chuyên như một mô hình dạy học chất lượng cao, cần được đầu tư có trọng điểm. Tuy nhiên, cái mục đích và giá trị cao đẹp mà trường chuyên đem lại thì bị nhiều người hiểu sai, dẫn đến việc có những ý kiến tiêu cực.
2. Cách sàng lọc, thi tuyển và dạy học chuyên có vấn đề, chương trình dạy học quá nặng, ít thực tế, môi trường học tập không đủ tốt:
Thử hỏi, tại sao các trường chuyên bị nhiều phụ huynh phản đối, hoặc hiểu một cách không đúng dẫn đến việc coi việc vào trường chuyên như một "thành tích"? Chúng ta cũng phải hiểu, họ cũng có cái lý của mình. Ngay từ cách thi tuyển đầu vào trường chuyên, đề thi của nhiều tỉnh thành phần lớn là thiếu những dạng câu hỏi để đánh giá năng lực tư duy, năng lực cần đạt ở môn học mà các em sẽ vào. Có đề thi khó quá, đề thi dễ quá, nhiều bài xào lại ý tưởng các đề thi trước, copy và chỉnh sửa từ internet... Nhiều cán bộ làm đề thi tuyển vào lớp chuyên, năng lực ra đề chưa vững, hoặc khả năng của bản thân có giới hạn, không thể sáng tạo ra câu hỏi phù hợp để đánh giá năng lực...
Vô hình chung chính điều này khiến cho nhiều phụ huynh và giáo viên ép con học ngày học đêm, học thầy nọ cô kia, cố ép cho cháu phải đỗ lớp chuyên này. Nếu đề trúng tủ, trúng dạng thì ăn cả, còn đề khó quá, lệch tủ thì ngã về không. Việc thi tuyển vào trường chuyên như vậy diễn ra theo kiểu "ai cày nhiều, ôn nhiều, học nhiều là đỗ", mà thiếu đi việc "đánh giá năng lực, nhận thức và tư duy môn học của học sinh". Trong khi đây lại là một yếu tố rất cần thiết đối với một học sinh học chuyên.
>> Được tuyển thẳng vào làm việc vì 9 năm học trường chuyên
Thi tuyển là một chuyện, còn cách dạy và học chuyên của một bộ phận không nhỏ giáo viên thật sự có vấn đề. Phải thừa nhận rằng, nội dung học tập môn chuyên có rất nhiều những khái niệm trừu tượng, khó hiểu, mang tính chuyên ngành, học thuật cao và cũng như là việc phải giải các bài tập khó hơn so với học sinh trường thường, lại ít được áp dụng vào thực tế (thường chúng chỉ dùng trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đó). Nhưng nó lại cộng hưởng với phương pháp dạy học lạc hậu, cũ kỹ của nhiều giáo viên khiến cho môn học "đã khô khan nay lại càng khô khan", chương trình vốn đã nặng lại càng nặng thêm.
Có nhiều giáo viên chuyên, năng lực tốt nhưng họ lại gặp khó khi truyền thụ những kiến thức chuyên cho học sinh, vài trường hợp thì dạy kiểu thầy đọc - trò chép, ít tính tương tác giữa thầy/cô và trò. Khi giáo viên không thể khơi gợi được hứng thú, kích thích sự tò mò và niềm đam mê học tập của học sinh khi học chuyên, tự khắc môn học sẽ trở thành một gánh nặng đối với các em. Bởi lẽ, bản chất môn chuyên vốn đã nặng và khô khan, các cháu học đã khó, lại còn phải học toàn diện 13 môn học đại trà theo chương trình chuẩn với nội dung kiến thức... khó và nặng tương đương, cộng thêm áp lực điểm số, áp lực từ gia đình, các kỳ thi... càng khiến các cháu thui chột đi tài năng.
Nhiều phụ huynh có chia sẻ với tôi, các cháu phải học đến 11-12 giờ đêm để có thể hoàn thành nội dung học tập, nhưng vẫn không thể khá lên được. Trong khi các kỹ năng mềm, kỹ năng sống... lại bị mai một rất nhiều. Học sinh khi học chuyên, những em có năng lực thực sự, chúng ta không bàn đến nhiều trong phạm vi này. Ở đây, chúng ta bàn đến nhóm học sinh vào học chuyên như một "danh hiệu" hoặc phải vào học theo mong muốn của gia đình dù bản thân không thật sự có hứng thú. Khi chúng đỗ được vào chuyên, nhiều trường hợp trong số đó sẽ sao những ngay việc học tập, lười học, không nghĩ đến việc trau dồi môn chuyên cùng các môn khoa học cơ bản khác, kết quả học tập ngày càng kém sút.
Có những trường hợp khác, chăm học hơn nhưng chúng lại gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức rất khô khan, ít tính thực tế của môn chuyên, ngoài ra phải chịu áp lực rất lớn từ khối lượng kiến thức các môn học khác và áp lực gia đình. Ngay cả với những em có năng lực, phương pháp giảng dạy cũ kỹ, chưa phù hợp của giáo viên cũng khiến cho tiềm năng của một số em bị thui chột.
Mặt khác, trình độ và năng lực giáo viên chuyên của nhiều địa phương là khác nhau, chất lượng học sinh địa phương ở từng thời điểm cũng khác nhau, do đó việc bồi dưỡng học sinh giỏi gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện ngay ở kết quả thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm. Không chỉ có thế, cách thi cử - kiểm tra - đánh giá của ta cũng lạc hậu, cũ kỹ, và không thể phủ nhận là cách thi cử - đánh giá đã tác động trực tiếp lên phương pháp dạy học. Đề thi ít tiếp cận chuẩn quốc tế, nặng về ghi nhớ hoặc đánh đố, ít mang tính định hướng đánh giá năng lực.
>> 'Không nên bỏ trường chuyên vì giáo dục không thể cào bằng'
Chúng ta quen nói với nhau "học để thi", "có thi thì mới có học" nhằm nói đến việc dạy học ở Việt Nam, và trường chuyên tất nhiên nằm trong số đó. Khi sàng lọc ra được đội tuyển học sinh giỏi, nhiều trường chuyên sẽ thực hiện việc "học để thi" với các nhóm học sinh như sau: với đội tuyển, họ tăng cường đầu tư cho các em đi học những giáo viên giỏi hơn từ các trường chuyên khác, đồng thời cho các cháu ôn tập, luyện thi như "luyện gà nòi"; còn với nhóm học sinh chuyên còn lại, nhiều giáo viên sẽ cắt giảm nội dung dạy học môn chuyên một cách tuỳ tiện để hướng các em đến việc luyện đề, luyện bài khó ôn thi vào đại học. Điều này vô hình chung đi ngược lại với bản chất giáo dục chuyên, biến bộ não học sinh thành một mớ hỗn độn kiến thức, chuyên chẳng ra chuyên, đại trà chẳng ra đại trà, chất lượng học sinh giảm sút, chênh lệch.
Rồi chúng ta cũng có thể nhận ra, kết quả thi đại học của nhiều học sinh chuyên không bằng học sinh trường bình thường, nếu không muốn nói có phần thấp hơn hẳn. Ngoài ra là việc tạo môi trường học tập cho học sinh chuyên của nhiều trường cũng có sự khác nhau, có trường làm tốt, trường thì không tạo được môi trường xứng đáng cho học sinh theo học. Áp lực ganh đua thành tích, áp lực học tập, áp lực từ nhiều phía... buộc các em phải học nhiều mà ít có sự giao lưu, học hỏi kỹ năng sống. Môi trường học tập thiếu tính cởi mở, năng động càng góp phần làm tăng thêm cái "áp lực trường chuyên" vô hình đè nặng lên vai học sinh.
Tóm lại, trường chuyên nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực, âu cũng dễ hiểu với cái cách dạy - học - thi hiện tại và không làm tốt việc tạo môi trường học tập hợp lý. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên, còn chưa thật sự hiểu đúng mục đích tốt đẹp của trường chuyên, có lẽ vì thế mà môi trường học chuyên của trường chuyên đó cũng không tốt hay sao?
3. Tóm lại, nên có những giải pháp thế nào?
Khi chúng ta thực sự hiểu rõ mục đích cao cả của trường chuyên, chắc chắn sẽ không có cái nhìn lệch lạc như vậy. Trường chuyên về mặt thực tế cũng chỉ là một trường phổ thông công lập bình thường như bao trường học khác, chứ không phải vào đây là để thể hiện con nhà giàu hay nhà nghèo. Vào được trường chuyên chẳng phải thứ danh hiệu cao siêu gì, mà về mặt thực tế, nó cũng chỉ là trường cấp ba bình thường.
Giai đoạn giáo dục trung học phổ thông là giai đoạn quan trọng nhằm định hướng nghề nghiệp, tương lai cho học sinh, trường chuyên tất nhiên không nằm ngoài số đó. Vai trò của trường chuyên chính là bồi dưỡng nhân tài, đào tạo học sinh thật sự có năng lực về một môn chuyên nào đó, định hướng cho các em trở thành chuyên gia nghiên cứu khoa học, bác sĩ, kỹ sư... hoặc các ngành nghề có liên quan, sử dụng đến môn chuyên mà các em đang học. Muốn làm thế, các trường chuyên cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp - công việc vốn các trường chuyên thường làm rất hời hợt, thiếu khoa học. Nếu định hướng được các em, hẳn nhiên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc theo đuổi môn chuyên mà mình theo học.
Để tạo hứng thú và động lực cho các cháu, nâng cao chất lượng dạy và học môn chuyên, rất cần phải có sự đổi mới về phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Kiến thức chuyên tuy khó và khô khan, nhưng không phải không có cách biến chúng thành những thứ đơn giản hơn. Giáo viên cần biết cách khơi gợi hứng thú cho học sinh, cho các em làm việc nhóm, thuyết trình... để tạo cho các em không gian học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn chuyên, có sự đầu tư phù hợp, đúng mức, phải đạt chuẩn để có thể được dạy chuyên.
>> 8 bất cập nếu 'xoá sổ' trường chuyên
Còn đối với học sinh, các em cũng cần phải có sự đầu tư nghiêm túc khi đã xác định theo học chuyên, không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức, có đam mê thật sự, không học một cách hời hợt, thiếu chủ tâm. Để tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh khi học chuyên, rất cần việc giảm tải chương trình, giảm tải kiến thức, không bắt các cháu phải học quá nặng, học những thứ quá khả năng nhận thức hay phải giải quá nhiều bài khó. Chỉ cần yêu cầu học sinh nắm kiến thức cốt lõi của bộ môn chuyên, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu cần đạt được của bộ môn, không gây áp lực.
Ngoài ra, cũng cần đảm bảo đủ nền tảng kiến thức (ở một mức nhất định) với chương trình giáo dục đại trà. Đồng thời, đổi mới cách thi cử, kiểm tra, đánh giá, theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tiếp cận chuẩn quốc tế, không ra đề quá khó, quá mẹo mực, ít tính thực tế, đảm bảo nhận định đúng năng lực thực sự của từng học sinh, đa dạng các hình thức như nộp sản phẩm, chấm thuyết trình, báo cáo... Các trường chuyên cần không tạo áp lực nặng nề lên các em, tạo môi trường lành mạnh, thành lập các câu lạc bộ theo lĩnh vực để các em có thể phát huy tối đa sở trường của mình, rèn khả năng giao tiếp, kỹ năng mềm...
Như tôi được biết, nhiều trường chuyên đã và đang phát huy tốt mô hình các câu lạc bộ, chẳng hạn như Câu lạc bộ Nghệ thuật của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), Câu lạc bộ Tranh biện của Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), Câu lạc bộ Nhảy của Trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội... Những mô hình này đã và đang được nhân rộng, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi cho các em khi theo học trường chuyên. Có lẽ vì vậy, mà nhiều ý kiến đã cho rằng, học trường chuyên khá nhàn, vừa được tiếp xúc, học hỏi với những bạn giỏi, lại còn có không gian phù hợp để phát triển bản thân.
Phụ huynh cũng đừng coi trường chuyên như một thứ "danh hiệu" cao quý, cũng không nên hiểu sai về giá trị, vai trò của trường chuyên mà có những ý kiến tiêu cực. Trường chuyên cũng chỉ là trường công lập bình thường, cũng không phải là từ chối những học sinh nghèo, và cũng không phải là học tủ học lệch. Thêm chữ "chuyên", mô hình trường chuyên mang sứ mạng đào tạo nhân tài theo hướng chuyên sâu hơn, tạo nguồn lực nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, tạo nên những chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, kỹ sư... phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem vinh quang trên trường giáo dục về cho dân tộc Việt Nam. Đừng nên bỏ hay xã hội hóa trường chuyên, chúng ta cần phải biết cách phát huy những thế mạnh mà nó mang lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Huy Khánh