Xung quanh quanh câu chuyện "Có nên bỏ trường chuyên?", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ chính trải nghiệm của bản thân khi từng là "sản phẩm của nền giáo dục kiểu gà nòi":
Tôi thấy giờ giáo dục toàn chạy theo thành tích đi thi quốc tế để được vài giải thưởng, nhưng thử hỏi những người đạt giải thưởng đó đã làm gì được cho đất nước? Tất cả đều nặng về lý thuyết, được đào tạo để trở thành máy giải toán. Trong khi cần tập trung vào thực hành nhiều hơn. Bản thân tôi cũng từng học THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và tôi thấy trường chỉ hơn là có môi trường học sinh đồng đều, mình nhìn các bạn để tiến lên chứ ngoài ra không có gì nổi trội, tất cả phải từ nỗ lực bản thân.
Tôi từng học trường chuyên, thời gian tuổi trẻ áp lực việc học thực sự là quá lớn vì luôn phải cạnh tranh với các bạn để lọt top 10, khi rớt hạng thì luôn thấy mình có lỗi với gia đình vì sự kỳ vọng. Khi có con, tôi không muốn con bị áp lực như mình nên muốn con vừa học vừa chơi, giờ con chuẩn bị thi vào THCS, tôi cùng gia đình thống nhất không cho con thi vào chuyên. Thứ nhất vì không muốn con chịu áp lực quá lớn chuyện học hành. Thứ hai vì như nhiều phụ huynh đều nhìn thấy mặt tiêu cực đó là sự chạy điểm, chạy thành tích... Quan điểm cá nhân tôi vẫn là dạy con học kiến thức lẫn kỹ năng sống và bản thân con phải cố gắng dù trong môi trường học nào đi chăng nữa.
Tôi học trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội, thi Đại học được 28.5 điểm, tốt nghiệp loại xuất sắc (trường top đầu), ra trường vào làm một công ty rất lớn, đúng chuyên ngành. Sau gần 10 năm, bây giờ nghe thấy tiếng trống, tôi vẫn rùng mình. Con tôi bây giờ học trường quốc tế, rất vui vẻ và thoải mái. Tôi xác định cho con học đến hết lớp 10 hoặc lớp 12 rồi đi du học. Tiền học phí của con tôi là từ chồng chu cấp - một người thi Đại học chỉ với số điểm bằng một nửa của tôi, phải cộng điểm vùng mới đỗ vào một trường dân lập.
30 năm trước, tôi là sản phẩm của nền giáo dục chuyên chọn gà nòi. Giờ có hai đứa con, tôi sẽ cho chúng có tuổi thơ đích thực và dành thời gian học nấu ăn, trồng cây, nuôi cá, chơi thể thao... Nếu cho con một niềm đam mê đúng hướng và phù hợp, tự bản thân các cháu sẽ phát triển. Còn tôi là kỹ sư tài năng Bách Khoa Hà Nội, vào Sài Gòn làm kinh doanh 10 năm nay, chẳng nhớ nổi kiến thức gì từng học ở trường Đại học, trừ cách tư duy.
>> Cho con học trường quốc tế là đầu tư may rủi
Ủng hộ phương án bỏ trường chuyên, không ít ý kiến cho rằng cần tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho học sinh và các trường "không chuyên":
Ủng hộ phương án bỏ trường chuyên. Bây giờ bố mẹ chỉ chăm chăm đi làm kiếm tiền rồi chạy cho các con để vào trường nọ, trường kia mà không để ý đến học lực thật của con, làm biến tướng giáo dục. Chúng ta chỉ nên giữ lại các cơ sở giáo dục công lập nhất định để đào tạo một cách bình thường. Bỏ hết hệ thống thành tích cá nhân. Các trường công lập chỉ tập trung giáo dục nhân cách là chính. Nhường sân chơi tri thức cho nhóm trường dân lập. Khi đó mảng giáo dục sẽ được phân ra: công lập - trường dành cho học sinh đại trà; dân lập - trường mang tính cạnh tranh cao, các hiệu trưởng và chủ tịch nhà trường phải tìm cách nâng cao chất lượng học sinh lấy uy tín để thu hút học sinh.
Trước hết tôi thấy không cần trường chuyên, vì học sinh vào đó chỉ để học những bài Toán, Lý, Hoá, Văn, Anh... khó và rất lạ so với học sinh trường thường. Điều đó để làm gì khi học và ra đời hoàn toàn khác nhau? Không những vậy, tôi chỉ thấy tội cho những đứa trẻ đang tuổi lớn. Đúng là cùng trình độ, thầy và trò đều dễ phát huy, chuyện này ta có thể thực hiện trong từng trường và từng cấp, tất nhiên không có tiểu học bằng cách: sau hai ba năm, có thể để các trường tự xếp lại lớp cho học sinh giỏi vào một lớp, trung bình vào một lớp. Thời tôi học năm 1961-1962, ở miền Nam đã áp dụng phương pháp này, nhưng học cùng một chương trình như nhau. Vậy tôi yêu cầu bỏ trường chuyên, không bán cho ai cả, vì đã là học sinh giỏi, không ai thích học trường tư.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.