(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hè năm 1988, khi được tuyển thẳng vào trường cấp ba ở Hà Tây cũ, một người bạn của bố tôi gợi ý cho tôi thi vào chuyên Ngoại ngữ. Sau vòng thi năng khiếu, trường yêu cầu phải nộp 4.000 đồng lệ phí thi. Bố tôi là giáo viên tiếng Nga, về mất sức, không lương. Mẹ bỏ việc bán thực phẩm phân phối sau khi lấy bố. Ở cái thời "nhất sĩ nhì nông", bố mẹ tôi không ruộng, không lương, nuôi bảy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Trong nhà không mấy khi nhìn thấy tờ 500 đồng, nói gì đến chuyện 4.000 đồng.
Tình cờ, tôi nghe lỏm được câu chuyện của bố mẹ: - "Chạy mấy chỗ rồi mà không ai cho vay, cái Q (bạn mẹ, cũng là người hay cho mẹ vay lãi) cũng nói không có. Nợ cũ chưa trả hết, chắc nó không muốn cho vay tiếp", mẹ bảo. Tôi nằng nặc "con không thi nữa". Tôi biết, vì 4.000 đồng đó, mẹ sẽ phải cày thuê cuốc mướn cả năm trời mà có khi chưa trả hết nợ. Còn tôi, trong thâm tâm tin là mình không thể đỗ. Trong số 1.000 hồ sơ, trường chỉ tuyển 60 suất. Trong lớp luyện thi cấp tốc với 45 học sinh, nhiều bạn sôi nổi giải toán cùng thầy, còn tôi ngồi đó như người ngoài hành tinh, không hiểu gì.
Thi xong, nhận được giấy báo trúng tuyển, cả tôi và bố mẹ đều không tin và giấu tất cả mọi người cho tới tận ngày nhập học. Vào học rồi, tôi mới biết mình không phải trường hợp cá biệt. Các bạn tôi, đứa từ Phủ Lý, đứa ở Thái Bình, đứa ở Ninh Bình, nhiều đứa cũng nghèo và hoàn cảnh chẳng hơn tôi bao nhiêu. Và cho tới giờ, đã học qua nhiều trường lớp khác nhau, có cơ hội dạy học ở cả trong và ngoài nước, với tôi trường chuyên Ngữ thuộc Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội ngày ấy vẫn là nơi tôi học được nhiều nhất, được chơi quậy nhất, có nhiều thầy cô tận tình nhất và có nhiều bạn bè gắn bó khăng khít nhất.
Những ý kiến đang rộ lên gần đây về trường chuyên, theo tôi là bình thường bởi hệ thống nào cũng có ưu, nhược điểm của nó. Tuy nhiên, tôi khó mà đồng tình khi nhiều người có trình độ và được tiếp xúc với nhiều hệ thống giáo dục khác nhau trên thế giới cho rằng cần xóa bỏ trường chuyên tại Việt Nam hoặc chuyển trường chuyên sang tư thục với lý do mô hình này tạo ra bất công bằng xã hội.
Trường chuyên không phải mô hình của riêng Việt Nam. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn với nhiều tên gọi và cách tổ chức khác nhau có ở tất cả các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Kể cả các nước có nền giáo dục mang khuynh hướng khai phóng như Mỹ hay Australia, nhiều trường chuyên vẫn ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. The Bronx High School Of Science hay Brooklyn Technical High School là trường chuyên Toán và các môn khoa học cho nam sinh ở New York, Melbourne High School là "trường chọn" dành cho nam, Mac Robertson Girls’ High School là "trường chọn" dành cho nữ ở Melbourne. Các trường này hiện vẫn ngày càng lớn mạnh. Và chúng đều là trường công.
Còn ở châu Âu, nhiều người đã quen với các trường được gọi là Grammar hoặc Gymnasium, nơi người Việt ở Anh, Đức, Áo, Thụy Sĩ hay Hà Lan vẫn gọi nôm na là trường chuyên. Nhiều nước châu Âu phân loại học sinh hệ công lập theo năng lực học tập từ ngay sau bậc tiểu học. Grammar hoặc Gymnasium là trường dành cho những học sinh có thành tích học tập cao nhất. Kể cả ở Phần Lan, mô hình trường chuyên cũng tồn tại và với phần đông học sinh, việc vào được các nơi này cũng khó song đáng tự hào.
>> Con tôi rửa bát cả năm lớp 9 để được thi trường chuyên
Về quan điểm sư phạm, chia người học theo khả năng và trình độ để dạy đã được chứng minh là mô hình hiệu quả khi đầu tư công thấp và lớp đông học sinh. Mô hình này sẽ giúp giáo viên chưa dày dạn kinh nghiệm tránh được việc chỉ tập trung vào các học sinh khá giỏi, biến nhóm còn lại thành những cá thể vô danh hữu hình. Trong khi những thầy cô nhiều kinh nghiệm và quan tâm tới học sinh yếu hơn cũng gặp khó khăn bởi các em có lực học tốt sẽ thấy chán nản, thiếu động lực. Việc phân loại người học theo các nhóm tương đối tương đồng có tác dụng rõ rệt và tích cực lên kết quả đào tạo.
Thường thì trẻ ở cùng độ tuổi có mức tiếp thu tương đương, nhưng luôn có một số trẻ em học chậm hơn hẳn hoặc nhanh hơn hẳn số đông. Chính vì vậy ở Đức, từ trước bậc tiểu học, các đợt kiểm tra để đảm bảo trẻ có khả năng và tốc độ tiếp thu kiến thức lớp một tương đương với độ tuổi luôn được tiến hành. Còn ở Australia, khi học Toán, từ cấp tiểu học, học trò đã được chia nhóm nhỏ 3-5 em theo năng lực học và có trợ giảng kèm. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường học tập cạnh tranh cho các học sinh có lực học nổi trội và nuôi dưỡng nhân tài ở các trường chuyên, lớp chọn vẫn là định hướng được cho là đúng đắn ở nhiều nơi trên thế giới. Và do đó, việc đầu tư có phần nhỉnh hơn, nếu có, cũng dễ hiểu. Vì đó còn là động lực để các trường này lôi kéo được giáo viên và học sinh giỏi, đầu tư vào cơ sở vật chất phù hợp với định hướng giảng dạy.
Tất cả các trường chuyên hoặc các trường chọn nói trên đều là trường công, được đầu tư theo nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội. Con em các gia đình có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp hoặc ở các vùng kém phát triển hơn, nhưng có lực học vượt trội, vẫn có cơ hội được học ở những môi trường tốt, có điều kiện phát triển năng khiếu của mình. Tuy đa phần các trường chuyên, lớp chọn đều dựa vào kết quả điểm thi hay điểm tổng kết học tập để chọn đầu vào, thực tế cho thấy học sinh ở những vùng kém phát triển hơn đôi khi lại có lợi thế hơn. Như ở Australia, trường chọn thành phố lấy 5% học sinh top đầu ở mỗi trường trong khu vực. Hay ở Đức, giáo viên nếu phát hiện năng khiếu của học sinh có thể viết giấy giới thiệu để học sinh đó vào Gymnasium dù về mặt điểm số, học sinh đó có thể không đạt.
Các trường tư được vận hành theo cơ chế thị trường. Mọi chi phí về cơ sở vật chất, nhân công giảng dạy, quản lý... đều lấy từ nguồn thu học phí. Vì vậy, tường tư ở đâu cũng vậy, đa phần không có chỗ cho học sinh nghèo. Các trường tư cũng có những thứ hạng khác nhau, những trường danh tiếng cũng thường lôi cuốn được nhiều học sinh xuất sắc của các gia đình khá giả. Một số trường cũng có một số học bổng - chủ yếu bằng hình thức miễn giảm học phí - nhằm lôi kéo học sinh giỏi để giúp đưa thứ hạng của trường lên cao. Tuy nhiên, số học sinh được cấp học bổng không nhiều và việc lựa chọn hoàn toàn dựa vào điểm số. Vì vậy, trường tư thường khó trở thành lựa chọn của các gia đình có thu nhập eo hẹp.
>> Trường chuyên Tây tìm nhà phát minh, trường Việt luyện 'gà chọi'
Việc gắn trường chuyên lớp chọn với hình ảnh những đứa trẻ chỉ biết học như robots, những "con gà nòi" theo tôi là quan điểm khá lệch lạc. Bảy năm tôi giữ chức Bí thư Đoàn ở Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là bảy năm tôi luôn ngạc nhiên về sức sáng tạo, năng lượng sung sức trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh khối chuyên. Rất nhiều trong số họ thực sự là những tài năng nổi trội và sau này cũng thành đạt hơn nhiều bạn đồng lứa. Dù mô hình trường chuyên lớp chọn cũng có những bất cập và hệ lụy của nó, đặc biệt ở những nước coi trọng thành tích và công danh khoa bảng như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam.
Việc nhiều phụ huynh thúc ép con học thêm ngày đêm để vào chuyên, nạn quan hệ, lót tay bằng cách này hay cách khác để được vào chuyên cho danh giá, hay khiến những đứa trẻ bị ngồi nhầm chỗ, mất đi tuổi thơ và bị lo âu đến trầm cảm vì không theo kịp bạn bè vẫn còn tồn tại. Nhưng điều đó, suy cho cùng, không phải lỗi của trường chuyên, cũng không phải lỗi của những đứa trẻ. Phần nhiều là hệ quả từ hành xử của chính phụ huynh và các cấp quản lý liên quan.
Việt Nam đã có những cái tên đáng tự hào xuất phát từ hệ thống trường chuyên, đó là một minh chứng cho điểm cộng của mô hình. Xây dựng được những thương hiệu giáo dục có chất lượng thực sự không hề dễ. Đừng vì chỉ thấy những bất cập chủ yếu do sự yếu kém trong quản lý trường chuyên để xóa đi một mô hình mà cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có hệ thống nào thay thế khả thi. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiến hành những khảo sát khoa học và toàn diện, cải tiến để giáo dục Việt Nam tiếp tục còn những điểm sáng đáng tự hào, để các học trò nghèo như tôi ngày ấy vẫn có quyền được thử thách giới hạn của bản thân dù "vào chuyên" luôn là khe cửa hẹp.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.