(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tranh luận về trường chuyên vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người bảo vệ trường chuyên với những lý lẽ như học nhàn tênh, không muốn học với học sinh kém, "biết ơn" trường chuyên... Tất cả những vấn đề đó chỉ mang tính chất cá nhân. Tôi muốn hỏi, những học sinh học trường chuyên, thụ hưởng một phần nguồn lực Nhà nước, có đóng góp gì cho đất nước? Hay họ hầu hết đi du học rồi ở lại luôn. Điều đó có nghĩa trường chuyên là bệ phóng cho những cá nhân này nhưng chẳng có ích gì cho quốc gia.
Câu hỏi tiếp theo, nhiều người nói học trường chuyên có tư duy sáng tạo, không học nhồi nhét. Vậy vì sao phương pháp ấy không được nhân ra đại trà cho mọi trường bình thường? Từ đây đưa ra khả năng, với học sinh giỏi, chương trình giáo dục hiện nay có thể nặng với học sinh khác nhưng không nặng với những học sinh này. Người ta tạo ra trường chuyên để cho những học sinh này được học nặng hơn theo ý họ muốn - giải những bài toán có tính đánh đố cao hơn – cũng chỉ đến thế. Vào đại học thì ai cũng như ai.
>> 'Trường chuyên chắc chắn sẽ lụi tàn'
Nước ngoài có học sinh học lệch không? Có, nhiều nữa là khác. Những học sinh này vẫn học trường bình thường, riêng môn mà họ thích học được đến đâu tùy ý. Ví dụ, một học sinh yêu môn Toán vào lớp 1. Trong thời gian học lớp 1, tự học sinh đó đọc hiểu sách giáo khoa Toán, giải hết các bài tập Toán hết bậc tiểu học. Vào lớp 2, mọi môn khác vẫn học bình thường. Riêng môn Toán, em đó được học Toán lớp 6. Tương tự, đến lớp 9, em đó có thể học Toán ở bậc đại học... Rất nhiều người, 19–20 tuổi thôi, vừa lấy bằng tốt nghiệp phổ thông xong lấy luôn bằng đại học; 24–25 tuổi lấy bằng tiến sĩ cũng không hiếm.
Người ta đào tạo học sinh học lệch như vậy chứ không phải là dạy những bài toán khó, khó hơn, khó hơn nữa. Nếu bạn có dịp đi nước ngoài, bạn có thể thấy một lớp học bậc phổ thông không phải mọi học sinh đều có tuổi bằng nhau, mà có em khá lớn tuổi và có em nhỏ tuổi. Chính học sinh nhỏ tuổi ấy là người học lệch – được học môn mà em thích ở lớp trên.
Cách đào tạo của chúng ta thuần túy là huấn luyện "gà chọi". Đội tuyển Olympic quốc gia chỉ có 5–6 người. Ở đâu cũng có trường chuyên nhưng mấy ai được chọn vào tuyển quốc gia, phần còn lại đi đâu? Tập trung hàng nghìn giáo viên giỏi chỉ để tuyển ra 5–6 học sinh siêu giỏi, có đáng không? Chúng ta cần nhân tài và nhân tài phải kết thúc cái việc học cơ bản ấy càng sớm càng tốt, đi làm sớm, tích lũy kinh nghiệm sớm. Tuổi càng trẻ, khả năng học hỏi nắm bắt những cái mới càng cao.
Tôi không đồng ý với loại trường chuyên như hiện nay. Chúng ta phải thay đổi. Nếu giữ trường chuyên thì trường chuyên phải là nền tảng để đào tạo nhân lực cấp cao. Còn nếu chỉ để đi thi học sinh giỏi chung chung thì nên bỏ luôn, bỏ hẳn. Chẳng có lý do gì dùng nguồn lực Nhà nước để bồi dưỡng riêng một số ít. Ai thích được bồi dưỡng thêm cái gì thì tự tìm giáo viên giỏi mà học thêm. Tức là, nguồn lực Nhà nước phải công bằng cho mọi người. Muốn lợi cho cá nhân ai thì tự tìm nguồn lực tư nhân. Nguồn lực Nhà nước do số đông đóng góp phải làm lợi cho số đông hoặc chí ít, làm lợi cho quốc gia.
>> Tây không có 'trường chuyên'
Có bạn nói học sinh trường chuyên ra làm kỹ sư, kỹ thuật viên cho những công ty danh tiếng, "làm thay đổi thế giới". Đó là lợi ích của mấy công ty đó, có liên quan gì đến Việt Nam? Cho dù anh có làm Giám đốc một tập đoàn nước ngoài nổi tiếng cũng chưa chắc làm nổi chức Giám đốc một công ty bình thường ở trong nước. Lãnh đạo một đội ngũ tinh anh và lãnh đạo một đám nhân viên có chất lượng năng lực không đồng đều là hai chuyện khác nhau.
Trong Microsoft, Bill Gates làm quản lý dự án. Bạn của ông ta, đồng sáng lập công ty, làm thiết kế dự án. Chúng ta có khá nhiều người có thể quản lý dự án nhưng thiết kế dự án thì có vẻ như một người cũng không có. Mấy chục năm trường chuyên đào tạo thế nào mà Việt Nam chỉ có năng lực cạnh tranh bằng "lao động giá rẻ"? Công ty nào cần nhân lực cấp cao khó chọn thị trường Việt Nam vì làm gì có đủ nhân lực mà tuyển. Cơ hội đến, rồi lại trôi qua, lại bỏ lỡ vì trường chuyên chúng ta chỉ đào tạo học sinh giỏi để đi thi, không đào tạo nhân lực cấp cao.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.