Không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "8 bất cập nếu 'xoá sổ' trường chuyên", độc giả Phamthanh2uan chỉ ra những điểm bất bình đẳng khi tồn tại trường chuyên:
"Thứ nhất, trường chuyên giờ đã là một môi trường bất bình đẳng giữa người giàu và nghèo. Vì để vào trường chuyên như hiện nay, bạn phải luyện thi, đó là bất lợi đối với những gia đình nghèo, không có điều kiện. Đừng nghĩ chỉ cần thông minh là đủ, học sinh nghèo không có cơ hội luyện thi tất nhiên vẫn có thể vào trường chuyên, nhưng số lượng rất ít và đó toàn là những học sinh xuất sắc.
Việc được luyện thi theo dạng đề, làm quen với áp lực phòng thi thường xuyên đã tạo nên chênh lệch, dù chỉ hơn nhau 0,25 điểm cũng đủ để tước đi cơ hội của một ai đó. Một học sinh có tiềm năng phát triển cao hơn nhưng không có cơ hội luyện đề đã đánh mất vé vào chuyên bởi một học sinh tố chất trung bình nhưng được luyện theo đề, và khi thi gặp phải dạng đề đó. Điều này vô hình trung làm giảm chất lượng đầu ra của các trường chuyên, những thế hệ chuyên sau này không còn xuất sắc như 20 về năm trước.
Thứ hai, trường chuyên hiện tại được ví như cái nôi đào tạo những học sinh du học và đa số những em này không còn chuyên sâu lĩnh vực đó ở bậc đại học nữa, trong khi bậc đại học cần sự chuyên sâu nhất, tạo ra giá trị cho xã hội nhiều nhất. Liệu chúng ta có đang lãng phí tiền của khi đào tạo ra những học sinh như vậy? Tất nhiên những giá trị đó vẫn có ích cho các em sau này, vẫn đáp ứng yêu cầu của giáo dục là đào tạo ra những con người giỏi trên nhiều lĩnh vực, nhưng mục đích đó không đúng với trường chuyên.
Trường chuyên vẫn tốt cho nhiều học sinh nhưng có thực sự tốt cho lợi ích của đất nước không thì cần xem xét lại".
>> Tôi học bổ túc, lương không kém chồng học trường chuyên
Đồng quan điểm, bạn đọc Tiến sỹ Gàn chia sẻ một góc nhìn khác về bất cập của trường chuyên:
"Nói về sự bất công không phải là không có giữa các trường chuyên - không chuyên của hệ thống giáo dục công lập. Sự đầu tư của địa phương vào trường chuyên nhiều hơn vì thành tích địa phương (đoạt giải) khiến cho các trường không chuyên bị lơ là là điều tất yếu. Mà quan trọng nhất của giáo dục không phải là đoạt giải mà là sản phẩm đầu ra chất lượng, đánh giá chung trên toàn bộ học sinh.
Một địa phương có số đông học sinh chất lượng loàng xoàng với một đôi trăm học sinh trường chuyên chất lượng khá, và chục cái giải nọ kia không phải là thành công của giáo dục. Chúng ta đang chịu ảnh hưởng của giáo dục khoa bảng, và trường chuyên vốn dĩ phục vụ cái này. Hệ thống chuyên chọn của chúng ta đã tồn tại hàng chục năm, giải nhiều, cúp lắm, nhưng khoa học của chúng ta ở vị trí nào trên thế giới? Đấy là cái chúng ta phải nhìn nhận.
Có thể ngày xưa, trường chuyên, lớp chọn phù hợp do hoàn cảnh, nhưng giờ thì nên đánh giá lại. Cá nhân tôi thấy, trước đây và hiện tại thì 'chuyên - chọn' của chúng ta chẳng khác lắm cái lò dạy trước và luyện thi, trong khi giáo dục thế giới ưu tiên kích thích sáng tạo, sự khác biệt của con người".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.