(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Có nên bỏ trường chuyên?. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải nhìn nhận thẳng thắn rằng trường chuyên không còn có lợi cho nền giáo dục nước nhà. Cụ thể là ở ba phương diện sau:
1. Trường chuyên đã làm trọn nhiệm vụ lịch sử: đào tạo học sinh nghèo có năng khiếu, luyện "gà chọi" đi thì học sinh giỏi trong nước và quốc tế (thi quốc tế chủ yếu trong một môi trường khá đặc thù, chỉ bao gồm những nước có tư duy giáo dục khá tương đồng Việt Nam). Nhưng những danh hiệu này hiện giờ không còn quá quan trọng, hoặc nhiều trường khác cũng đủ khả năng đào tạo tương tự. Hiện nay, đã có rất nhiều cách hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi mà không cần phải có trường chuyên.
Nhiều người lớn tuổi từng học trường chuyên biết ơn, ủng hộ, bênh vực mô hình này. Điều đó có thể hiểu được, nhưng những ưu điểm ấy đã lỗi thời. Nếu Việt Nam muốn phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục ấy tương xứng với các nền giáo dục tiên tiến của thế giới thì chúng ta cần thay đổi.
>> 'Trường chuyên chẳng khác gì lò luyện thi'
2. Rất nhiều trường công, trường tư khác hiện nay đã vươn lên thành những trường uy tín và thu hút học sinh qua xét tuyển hồ sơ. Trường chuyên đã không còn là môi trường duy nhất được xã hội công nhận về chất lượng dạy và học. Phụ huynh, học sinh ngày nay đã có nhiều hơn những sự lựa chọn để trao gửi niềm tin về giáo dục.
Nhiều trường công lập, dân lập, quốc tế trên cả nước đã và đang có những sự đầu tư mạnh cả về cơ sở vật chất, cũng như chất lượng giáo viên, phương pháp giảng dạy. Các học sinh giờ đây được quan tâm phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất. Nhiều trường không hề lơ là trong việc phát triển kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ, bên cạnh việc xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc giúp các bạn học sinh vững bước trên chặng đường đại học tiếp theo.
Tỷ lệ đỗ cao đẳng, đại học của nhiều trường không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn các trường chuyên. Nhiều thế hệ học sinh trường không chuyên đạt nhiều thành tích cao, tốt nghiệp loại ưu, làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp lớn, với mức thu nhập cao. Đó là những bước tiến vượt bậc, thu hẹp đáng kể khoảng cách với các trường chuyên, là lý do nhiều gia đình không còn quá mặn mà với việc bằng mọi giá cho con em mình vào học trường chuyên.
>> Tây không có 'trường chuyên'
3. Trường chuyên không phải nguyên nhân mà chỉ là kết quả của tư duy giáo dục, và cũng chỉ là biểu hiện một phần bề nổi của tư duy giáo dục ấy. Rất nhiều vấn đề dai dẳng còn tồn đọng mà Giáo dục Việt Nam chưa giải quyết được.
Trường chuyên gắn liền với bệnh thành tích.
Điều quan trọng là tư duy giáo dục Việt Nam cần thay đổi theo 5 tiêu chí mà UNESCO đã đưa ra.
Cụ thể, UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: "Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình". Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Qua quá trình nghiên cứu và từ thực tiễn hoạt động của mình, gần đây UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là "Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn". 5 tiêu chí này các trường chuyên hiện nay không đáp ứng được.
Giờ đây việc học không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, tầm nhìn; học để có kiến thức, kỹ năng làm việc; học để cùng chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác với người khác và dân tộc khác; học để khẳng định những giá trị tồn tại của cá nhân; mà ý nghĩa của việc học đã được mở rộng ở nội hàm mới: đó là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.
Hãy phát triển thật mạnh những trường như nhạc viện, trường múa, học viện thể thao, học viện bóng đá thiếu niên... Đó là những lĩnh vực năng khiếu mà chúng ta đang rất cần và đang rất yếu kém.
Tóm lại, khi tư duy giáo dục thay đổi, tiên tiến thì trường chuyên như hiện nay chắc chắn sẽ lụi tàn. Quá trình này nhanh hay chậm chỉ còn phụ thuộc vào tiến độ cải cách giáo dục.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Bảo Nam