Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải để xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017 và 38/2019 về quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, người có bằng lái ôtô trong một năm từ ngày cấp lần đầu không lái xe quá 60 km/h và không chạy trên cao tốc để hạn chế tai nạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đề xuất trên khó khả thi và cũng không đánh trúng mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, nhất là với người mới có bằng lái.
Theo tôi, câu hỏi phải đặt ra ở đây là chúng ta cần xem lại quy trình đào tạo lái xe hay sửa Luật Giao thông? Một người được đào tạo bài bản, thi sát hạch và được cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định, nhưng lại không đảm bảo khả năng cầm lái trên đường, đó là lỗi của ai? Chẳng phải là do cơ quan đào tạo và sát hạch có vấn đề về chất lượng hay sao? Vậy thứ cần điều chỉnh ở đây phải là quy trình đào đạo lái xe chứ đâu phải chuyện sửa luật.
Tôi cho rằng, quy định một người có bằng lái ôtô nhưng lại không được lái xe quá 60 km/h và không chạy trên cao tốc là một yêu cầu rất bất cập. Bản thân việc cấp giấy phép lái xe đã là thể hiện người đó đủ khả năng điều khiển ôtô tham gia giao thông, còn chuyện lái chưa quen là do mỗi người tự điều chỉnh dần, không thể đánh đồng tất cả những người mới có bằng đều lái kém và dễ gây tai nạn được. Không thể vì một vài trường hợp cá biệt mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của rất nhiều người khác.
>> Tôi không dám lái ôtô dù có bằng
Thực tế, không phải cứ ai mới lấy bằng là đều lái yếu, hoặc ai có bằng lâu năm là lái tốt. Vợ tôi thi giấy phép lái xe từ cách đây ba năm, nhưng xe trong nhà chủ yếu là tôi lái, vợ rất ít khi cầm vô lăng. Thế nên, giờ ra đường, tôi tin phản xạ của vợ mình vẫn lóng ngóng chẳng kém người mới có bằng. Do đó, để đánh giá khả năng lái xe của một ai đó, không thể căn cứ vào thời gian sở hữu bằng lái, mà quan trọng là việc người đó có lái thường xuyên để tích lũy kinh nghiệm hay không?
Vì vậy, tôi cho rằng, điều cần làm ở đây là nâng cao chất lượng đào đạo, sát hạch lái xe trong nước. Người học phải là học thực chất, đảm bảo đủ số giờ thực hành (hiện nay vẫn còn quá ít), bổ sung các bài tập kiểm tra phản xạ người lái. Chúng ta có thể học cách làm của Australia, Đức hay Nhật Bản - những nơi làm rất chặt trong việc đào tạo lái xe. Khi việc đào tạo được làm bài bản, nghiêm túc, không tiêu cực, tôi tin những học viên được cấp bằng theo quy định hoàn toàn có thể tự tin cầm lái tham gia giao thông.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.