Chia sẻ về "Đề xuất cộng điểm bằng lái nếu không vi phạm giao thông", độc giả Le Ha Thanh bày tỏ sự đồng tình:
"Tôi đồng ý với đề xuất cộng, trừ điểm vào dữ liệu giấy phép lái xe. Thưởng, phạt công minh. Lúc cấp bằng lái mới sẽ có điểm số cơ bản. Cứ lái xe an toàn, không vi phạm luật giao thông sẽ được cộng, thậm chí tích lũy điểm và được dùng như một căn cứ để giảm giá mua gói bảo hiểm bắt buộc hàng năm. Rõ ràng, nếu người lái xe không phạm lỗi và có điểm tích lũy cao sẽ được mua cùng gói bảo hiểm bắt buộc với giá thấp hơn giá thường.
Ngược lại, nếu lái xe phạm luật giao thông, ngoài việc bị phạt như luật định, sẽ bị trừ điểm, nếu gây tai nạn sẽ trừ lũy tiến. Và hàng năm, nơi bán bảo hiểm bắt buộc cứ theo số điểm trừ để tăng giá gói bảo hiểm tương ứng. Đây là một cách đảm bảo trước cho những tai nạn do tay lái "non", chạy không cẩn thận hoặc cố tình phạm luật. Nếu trừ đến giới hạn, người lái sẽ bị ngừng cấp bằng và buộc phải học, thi lại. Một số hãng bảo hiểm cũng theo đó có thể bán bảo hiểm với giá rất cao hoặc thậm chí từ chối bán bảo hiểm vì rủi ro cao.
Với cơ sở dữ liệu thống nhất và việc quản lý bằng hệ thống thông tin như hiện nay, nếu triển khai việc tính điểm thưởng, phạt vào bằng, người lái xe sẽ thấy rõ được ảnh hưởng ở ngay số tiền mỗi người phải bỏ ra để mua bảo hiểm, từ đó sẽ có ý thức lái xe tốt hơn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Đại Bùi chia sẻ kinh nghiệm thành công tại New Zealand khi áp dụng biện pháp này:
"Ý kiến hay và đáng được thông qua. Riêng tôi có thêm một số góp ý như sau, mong những người làm chính sách tham khảo:
1. Khung điểm nên tăng lên 500: Lý do bởi có nhiều lỗi và mức điểm trừ khác nhau. Ví dụ như ở New Zealand, điểm trừ được chia theo mục vi phạm: lỗi tốc độ, dùng điện thoại, nồng độ cồn, lỗi liên quan phương tiện... Trong mỗi mục sẽ có các mức trừ điểm khác nhau tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ. Việc này minh bạch, nhất quán, và được cập nhật thay đổi theo thời gian. Trong khi đó, khung 12 điểm sẽ có hạn chế trong việc tăng, giảm số điểm phạt. Việc quản lý này nằm trên hệ thống online nên không thay đổi bằng tác động vật lý, việc chỉnh sửa khung phạt cũng dễ dàng.
2. Việt Nam nên thay đổi hệ thống bằng lái: Ở New Zealand, có ba hạng bằng lái: Learner (lý thuyết), Restricted (lái có giới hạn), Full (bằng chính thức). Để thi Learner, bạn chỉ cần học lý thuyết, sau khi lấy bằng này bạn được phép lái xe với hai điều kiện: thứ nhất phải dán biển chữ 'L' trước và sau xe; thứ hai, phải kèm người giám sát (người này có bằng Full trên hai năm). Sau sáu tháng, bạn được thi bằng Restricted (thi thực hành, chạy trên đường thật chứ không phải thi sa hình). Khi có bằng này, bạn được phép chạy từ 6h đến 22h, được chở người thân. Sáu tháng sau, bạn được thi tiếp bằng Full. Có bằng này, bạn chạy giờ nào, chở ai cũng được.
Hình thức này tránh được tình trạng có bằng chính thức rồi nhưng chỉ biết chạy sa hình, đạp lộn chân ga, chân phanh, bối rối lúc tham gia giao thông thực tế ở đô thị, cao tốc, xa lộ...
>> 'Đề xuất mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm là quá nhiều'
Trong khi đó, gợi ý cách quản lý điểm bằng lái ở Pháp, độc giả Duchanh.proengineer cho rằng:
"Ở Pháp có hệ thống rất hay: khi thi xong và có bằng lái, bạn sẽ có một số điểm tương ứng. Mỗi lần vì phạm giao thông, tùy lỗi nặng, nhẹ, bạn sẽ bị trừ điểm tương ứng. Khi hết số điểm, bạn phải thi lại bằng. Bảo hiểm xe cũng vậy, nếu bạn không bị tai nạn trong thời gian dài, phí bảo hiểm cũng sẽ giảm xuống. Vì cơ bản, phí bảo hiểm dựa trên nguy cơ bạn bị tai nạn, nguy cơ càng nhỏ thì khả năng bảo hiểm phải trả tiền cho bạn càng thấp, nên số tiền phải đóng cũng ít hơn".
Với cách quản lý tương tự, bạn đọc Ngọc Nhi chia sẻ mô hình cộng, trừ điểm bằng lái tại Nhật Bản:
"Tôi thấy bên Nhật họ quản lý khá hay, đổi bằng hàng năm (ở máy đổi bằng tự động), tùy lỗi vi phạm mà bị trừ điểm khác nhau. Người ta sẽ căn cứ vào điểm mỗi năm để đổi bằng mới theo các màu sắc khác nhau. Bảo hiểm sẽ căn cứ theo màu của bằng lái để tính phí (ví dụ, bằng màu xanh sẽ có mức phí bảo hiểm thấp hơn bằng màu trắng mới được cấp)...".
Nói về khung điểm tương ứng với các mức phạt, thưởng, độc giả Nam Khanh Nguyen gợi ý kinh nghiệm của Ba Lan:
"Mỗi bằng lái xe có 12 điểm. Mỗi lần vi phạm vì chạy quá tốc độ sẽ bị phạt và trừ 4 điểm. Ba lần chạy quá tốc độ trong một năm, tài xế sẽ phải thi lại bằng lái. Trong một năm mà không bị trừ hết điểm, tài xế sẽ được lấp đầy 12 điểm. Đây là cách Ba Lan thực hiện. Bản thân tôi đã bị trừ bốn điểm do chạy quá tốc độ, kèm phiếu phạt tương đương 500 nghìn đồng".
Nhấn mạnh hiệu quả của hình thức tính điểm bằng lái, bạn đọc That Tha lấy ví dụ từ cách làm của Úc:
"Tôi thấy mừng vì Việt Nam đang cố gắng cải cách luật giao thông. Quản lý điểm là cách mà các nước trên thế giới đã làm cả trăm năm nay, lấy ví dụ như ở Úc:
1. Mỗi bằng lái sẽ có tổng cộng 12 điểm.
2. Mỗi lần vi phạm thuộc khung phạt điểm sẽ bị trừ ba điểm. Nếu tài xế vi phạm vào dip nghỉ lễ, có thể trừ gấp đôi.
3. Sau ba năm mới khôi phục điểm bị trừ.
4. Các loại bảo hiểm sẽ tăng phí nếu tài xế vi phạm nhiều lần, bị trừ nhiều điểm.
Làm như vậy, ai bị trừ điểm một lần sẽ phải có ý thức cố mà tránh vi phạm trong ba năm, nếu không muốn bị thi lại từ đầu".
>> Bạn nghĩ sao về đề xuất cộng, trừ điểm bằng lái? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.