Bộ Công an vừa đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm với mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn". Theo đó, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500 kg sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp, thay vì 10 năm như hiện nay. Nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm không đồng tình khi cho rằng vấn đề sức khỏe không phải nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông:
Rút thời hạn bằng B1, B2 xuống còn 5 năm để kiểm soát sức khoẻ của tài xế, tránh tai nạn là điều không cần thiết, gây tốn kém và ảnh hưởng nhiều tới người dân và xã hội. Từ trước tới giờ, sau mỗi vụ tai nạn, không thấy ai nói lý do vì tài xế sức khỏe yếu, mà chỉ bởi người lái say xỉn, "ngáo đá", và lơ là chủ quan khi điều khiển xe... Do vậy, cách giải quyết vấn đề này chưa đi thẳng vào trọng tâm. Khâu đào tạo lỏng lẻo, ý thức giao thông kém của tài xế, xử phạt chưa nghiêm minh... mới là những nguyên nhân trực tiếp gây nên tai nạn giao thông.
Sức khỏe người tài xế không phải là nguyên nhân chính yếu gây ra nhiều vụ tai nạn, mà là hành vi và ý thức của người tham gia giao thông. Muốn cải thiện ý thức của người tham gia giao thông, trước hết cần phải nâng cao giáo dục, tuyên truyền. Sau đó, lực lượng CSGT phải nghiêm minh, công chính trong việc xử lý vi phạm giao thông.
Khi hai vấn đề trên không giải quyết được thì có ban hành bao nhiêu luật, nghị định, thông tư xử phạt, cũng không cải thiện được tình trạng tai nạn giao thông hiện nay.
Cần phải nghiên cứu xem nguyên nhân cơ bản của tai nạn giao thông là gì? Công sức và thời gian của nhân dân là vấn đề cần phải bàn kỹ, nếu hàng triệu người phải đi làm lại giấy phép lái xe sẽ rất phức tạp. Điều chỉnh này nọ mà không giải quyết được căn cơ nguyên nhân của tai nạn giao thông (do ý thức điều khiển là chủ yếu: phóng nhanh vượt ẩu, chạy nhanh lấn làn, bất chấp biển báo giao thông, say rượu, lạng lách đánh võng, nẹt pô...) thì cũng bằng không. Sinh ra đủ thủ tục mà không giải quyết cái gốc rễ thì 5 năm hay ngắn hơn nữa cũng chẳng có tác dụng.
Tai nạn giao thông đã xảy ra trong những năm vừa qua chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông như: uống rượu, bia say xỉn, hút chích ma túy, "ngáo đá"; lái xe đường dài không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp; hoặc nhiều trường hợp mới thi lấy bằng lái chưa bổ túc tay lái đã ôm vô lăng chạy ra đường nên khi có tình huống bất ngờ xảy ra dễ luống cuống, đạp nhầm chân ga nên gây ra tai nạn thảm khốc... Hầu như chưa xảy ra trường hợp nào vì lý do sức khỏe mà gây ra tai nạn. Vì vậy, không nên rút ngắn thời hạn của bằng B2 từ 10 năm xuống 5 năm vì sẽ gây rất lãng phí về thời gian và tiền bạc cho xã hội.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng, để quản lý sức khỏe tài xế, chỉ nên yêu cầu bổ sung giấy khám sức khỏe thay vì bắt người dân phải đổi cả bằng lái:
Nếu nói vì lý do sức khỏe, sao không để Bộ y tế không yêu cầu khám sức khỏe 5 năm một lần và cập nhật lên mã số định danh. Cớ gì phải bắt người dân đi đổi bằng lái?
Nếu cho rằng sức khoẻ ảnh hưởng đến lái xe thì cho tài xế kiểm tra sức khoẻ hàng năm. Còn giá trị bằng thì cấp cho 10 năm như hiện tại đâu có liên quan gì? Tóm lại, con người lúc khoẻ, lúc yếu, không ai biết trước được, còn thời hạn bằng lái xe nên cấp vĩnh viễn như bằng Đại học.
Tôi đề nghị sau khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia, bỏ việc cấp bằng bằng thẻ, thay vào đó là xác nhận hoàn thành khoá sát hạch trên cơ sở dữ liệu. Định kỳ 5 năm, cá nhân phải cập nhật giấy khám sức khỏe lên hệ thống thông qua cơ sở khám đủ tiêu chuẩn. Nếu cơ quan chức năng thấy không đủ điều kiện lái xe thì thông báo cho cá nhân biết cho đến khi có giấy khám sức khỏe đủ điều kiện. Việc tra cứu hoặc kiểm tra lái xe trên đường thực hiện bằng vân tay vì điện thoại rất thông dụng.
Như vậy, bằng giả sẽ không còn, giảm chi phí in bằng, thủ tục đổi bằng cũng không cần, thay vào đó sẽ có phần mềm lấy cơ sở dữ liệu, thay việc xuất trình giấy tờ bằng việc nhấn vân tay. Vậy đi xe không lo quên mang theo bằng.
Tôi thấy chỉ cần cập nhật giấy khám sức khoẻ, và có thể kết nối online với các cơ sở y tế được phép khám sức khoẻ để có kết quả ngay và người dân chỉ cần lên website in giấy chứng nhận là xong, có thể thu ít phí cũng được.
>> Phân chia 17 hạng giấy phép lái xe - 'làm ngược'
Khẳng định việc rút ngắn thời hạn bằng lái không giải quyết được căn cơ tình trạng tai nạn giao thông, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở chất lượng đào tạo:
Quan trọng nhất là chấn chỉnh lại việc đào tạo lái xe thật nghiêm túc, lực lượng CSGT tăng cường nhiều hơn để xử phạt những trường hợp vi phạm giao thông. Việc rút thời hạn bằng lái không quan trọng lắm, vì sau 5 năm hay 10 năm lái xe, việc thay đổi bằng chỉ là việc làm trên lý thuyết. Sau thời gian đó, tài xế đã cứng tay lái rồi.
Nói sau thời gian dài tài xế không đủ sức khỏe là không đúng bởi tài càng già càng kinh nghiệm và lái càng cẩn thận hơn. Đa số hiện nay các vụ tai nạn lại do tài xế trẻ gây ra. Do đó, không cần đổi bằng bởi nếu không khỏe tài xế cũng sẽ không liều mà lái xe. Nếu tài xế vi phạm, cứ tùy vào lỗi mà bấm lỗ bằng, bấm đủ số lần thì cho thi lại, học lại. Các trường hợp vi phạm luật nghiêm trọng như vượt ẩu, đi ngược chiều trên cao tốc... có thể thu bằng luôn và bắt thi lại sau 6 tháng đình chỉ.
Muốn quản lý tốt hơn, muốn người lái xe nâng cao nhận thức an toàn giao thông hơn, thiết nghĩ cơ quan cấp bằng đầu tiên phải nghiêm chỉnh, nghiêm túc trong việc tổ chức thi cử. Đây chính là vấn đề cơ bản đầu tiên cần phải kiểm tra thật triệt để. Tôi cam đoan nếu tình trạng mua bằng cho qua lý thuyết, mua giấy chứng nhận sức khỏe chấm dứt thì chắc chắn tình trạng an toàn giao thông sẽ tốt hơn rất nhiều.
Rút ngắn thời gian hiệu lực của giấy phép chỉ làm mất thời gian và tiền bạc cho người lái xe.
Mục đích cuối cùng của việc cấp bằng lái xe là chứng nhận người điều khiển phương tiện đáp ứng đầy đủ kỹ năng và hiểu biết khi điều khiển phương tiện. Bằng lái 5 năm hay 10 năm không quan trọng bằng việc nâng cao, thắt chặt quy trình học và thi bằng lái xe. Hiện tại, tôi nghe có nơi có "gói hỗ trợ thi đâu đỗ đấy", vậy 5 hay 10 năm cũng chỉ là mốc thời gian mà thôi.
Bằng lái để khẳng định người lái xe đủ trình độ lái xe theo tiêu chuẩn của bộ GTVT, tức là đã qua sát hạch, càng lái lâu sẽ càng chuẩn. Trong quá trình sử dụng, nếu bằng bị mờ, rách hoặc mất thì phải đổi hoặc cấp lại. Còn người lái xe yếu hay khoẻ không liên quan gì đến thời gian có bằng lái 5 năm hay 10 năm. Có người vừa lấy bằng đã bị bệnh, không đủ khả năng lái xe, vậy cái bằng còn thời hạn 5 năm cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, nếu người đó cố tình lái xe mà gây tai nạn thì vẫn phải chịu tránh nhiệm trước pháp luật.
Bằng lái vừa được nâng cấp, chất lượng vật liệu tốt hơn bằng cũ, nên phải được dùng lâu hơn, cớ gì lại quay về mốc 5 năm? Vậy nâng cấp làm gì cho lãng phí tiền của dân?
>> Bạn có đồng tình với đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm? Gửi bài tại đây.