Testosterone là một loại nội tiết tố androgen được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn, chịu trách nhiệm phát triển các đặc điểm của nam giới như khối lượng cơ, lông tóc và giọng nói trầm.
Khi nam giới đến tuổi dậy thì, nồng độ testosterone trong cơ thể tăng cao đáng kể, thúc đẩy phát triển của xương và cơ. Đây là lý do các bé trai ở giai đoạn này tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hormone này không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến chiều cao của nam giới.
Theo nghiên cứu đánh giá đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, gene di truyền chịu trách nhiệm 80% chiều cao của một người khi trưởng thành. Nói cách khác, nếu cha mẹ cao thì con sinh ra cũng khả năng cao. 20% còn lại bao gồm các yếu tố dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe và nội tiết tố.
Bác sĩ tiết niệu Diana Londono ở California, Mỹ, cho biết các hormone tăng trưởng được tạo ra ở tuyến yên có tác động lớn nhất đến tầm vóc. Chúng bao gồm hormone tăng trưởng (HGH) và yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1). Trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, HGH chịu trách nhiệm làm xương dài ra.
Dù testosterone không chịu trách nhiệm trực tiếp cho chiều cao của bé trai, nhưng nó ảnh hưởng đến cả HGH và IGF-1. Testosterone gia tăng làm tăng nồng độ của các hormone này, dẫn đến tăng chiều cao bé trai ở tuổi dậy thì. Trẻ em phát triển với tốc độ 6-9 cm mỗi năm trong độ tuổi 2-5 tuổi. Tăng trưởng bắt đầu chậm lại khi trẻ từ 10 tuổi trở lên.
Theo bác sĩ Londono, hormone tăng trưởng chỉ có thể ảnh hưởng đến chiều cao của một người trước khi các đĩa tăng trưởng trong xương của họ hợp nhất lại. Các đĩa tăng trưởng thường hợp nhất ở các bé trai khoảng 16-17 tuổi. Đó là lúc tác dụng của testosterone đối với chiều cao nam giới đạt mức cao nhất. Đến cuối độ tuổi thanh thiếu niên, tác dụng của testosterone dừng lại, các mảng tăng trưởng ngừng tạo xương mới, nam giới đạt đến mức chiều cao cuối cùng.
Một số thói quen lành mạnh dưới đây có thể tác động đến lượng hormone testosterone, giúp nam giới cải thiện chiều cao tự nhiên.
Ngủ đủ giấc: Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể tái tạo năng lượng và phát triển khỏe mạnh. Khi ngủ sâu, cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng quan trọng thúc đẩy chiều cao.
Tập thể dục đều đặn: Vận động thường xuyên có thể tăng sản xuất hormone tăng trưởng và thúc đẩy xương phát triển. Một số bài tập thể dục tăng mức testosterone và kích thích tăng trưởng nhanh hơn bao gồm HIIT (tập luyện cường độ cao ngắt quãng), tập tạ tăng khối lượng cơ bắp và đốt cháy chất béo tốt. Tập tạ đã được chứng minh làm tăng nồng độ testosterone ở nam giới trong thời gian dài.
Ngoài ra, các bài tập tại nhà khác cũng kích thích sản xuất testosterone như hít đất, squat, bật nhảy, gập bụng...
Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm đóng vai trò lớn trong sản xuất hormone giới tính. Các vitamin và khoáng chất như vitamin D và kẽm có lợi cho nam giới. Chúng có nhiều trong cá ngừ, cá hồi, lòng đỏ trứng, hàu, dầu ô liu. Nam giới nên tránh đường, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia... vì làm giảm testosterone.
Để xác định nồng độ testosterone, nam giới phải có thể thực hiện các xét nghiệm máu. Mức testosterone bình thường ở nam giới trưởng thành dao động khoảng 280 đến 1.100 nanogram mỗi deciliter (ng/dL). Nếu nồng độ testosterone giảm xuống dưới ngưỡng này có thể là dấu hiệu của vấn đề về tuyến yên.
Bé trai có thể là dậy thì muộn.
Mức testosterone thấp có thể làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương, mệt mỏi, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục, ít cơ bắp... Nếu gặp những triệu chứng này, nam giới nên sớm gặp bác sĩ Nam khoa để được khám và điều trị.
Anh Ngọc (Theo Men's Health)