Bệnh van tim có thể gặp ở mọi độ tuổi. Tim có 4 van gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Tất cả đều có nhiệm vụ giữ cho máu chảy về phía trước qua tim. Bệnh lý van tim xảy ra khi van bị hư hỏng và không hoạt động như bình thường.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nếu bệnh lý van tim không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc, đau ngực, tổn thương cơ tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, cơ tim phì đại và suy tim. Vì thế, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, các van hư hỏng cần được sửa chữa hoặc thay thế qua cuộc phẫu thuật van tim.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn
Mọi phương pháp điều trị bệnh van tim đều hướng đến mục tiêu bảo vệ van khỏi bị hư hại thêm. Giai đoạn đầu, khi bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị nội khoa. Đến giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ được xem xét sửa hoặc thay van tim.
"Ưu điểm của việc sửa van là giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm nhu cầu dùng thuốc làm loãng máu suốt đời và sức mạnh cơ tim được bảo toàn. Trong khi đó, nếu van tim bị hư hỏng sẽ cần phẫu thuật thay thế bằng một van khác (van cơ học hoặc sinh học), có chức năng hoạt động gần như van tim của người bình thường", Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nói.

Phẫu thuật van tim ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ, mau hồi phục. Ảnh: Shutterstock.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan, Phó giám đốc phụ trách Ngoại khoa, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cách đây hơn 20 năm, để mổ tim hở, người ta phải cưa xương ức từ trên ngực xuống dưới, ước tính đường mổ dài 15-20 cm, kéo dài từ hõm ức đến hết xương ức.
"Phương pháp này an toàn, bộc lộ rõ các thành phần cần can thiệp nhưng có nhược điểm là nguy cơ nhiễm trùng cao, chảy máu nhiều, lâu hồi phục, sẹo mổ dài mất thẩm mỹ", Phó giáo sư Nguyễn Văn Phan nhận định.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Phan cho biết thêm, hiện nay, các chuyên gia hướng tới kỹ thuật mổ van tim hiện đại hơn là phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn. Thay vì rạch đường mổ dài trước ngực, bác sĩ chỉ rạch các đường mở nhỏ với chiều dài trung bình 5 cm ở ngực hoặc mở một nửa xương ức (chứ không mổ toàn bộ như trước đây).
Ưu điểm của phương pháp này là giảm mất máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít chấn thương ngực và mô cơ tim, vết sẹo mổ nhỏ hơn (đồng nghĩa với người bệnh ít đau hơn sau mổ và thời gian hồi phục ngắn hơn). Bệnh nhân nằm khoảng 4-5 ngày tại bệnh viện (so với 7-10 ngày nếu mổ theo kiểu truyền thống), đỡ mất máu hơn. Khoảng 2-4 tuần sau đó, người bệnh sẽ hồi phục.
"Để thực hiện một cuộc phẫu thuật van tim ít xâm lấn, từ một đường mổ 20 cm thu gọn lại chỉ còn 4-5 cm, thậm chí 1,5 cm, đòi hỏi phòng mổ phải được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cộng thêm dụng cụ mổ chuyên biệt, hệ thống camera hỗ trợ trong suốt quá trình mổ và kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể tốt. Thêm nữa, kỹ thuật viên phải có kinh nghiệm từ những ca mổ với đường mổ dài trước đó", Phó giáo sư Nguyễn Văn Phan cho biết.
Chăm sóc sau phẫu thuật van tim để giảm nguy cơ biến chứng
Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật van tim, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về những lưu ý trước và sau khi mổ.
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, trước khi mổ, bệnh nhân có thể được kê một số loại thuốc để hạn chế suy tim. Sau phẫu thuật, dù đã được thay van nhưng người bệnh vẫn cần theo dõi trong vòng 6 tháng đến một năm để điều chỉnh rối loạn nhịp nếu có, điều chỉnh chức năng tim về bình thường và nâng cao thể trạng. Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng đông 3-6 tháng. Nếu ca mổ diễn ra tốt, thay được van tốt thì sức khỏe người bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng tích cực sau một thời gian rất ngắn.

Sau phẫu thuật tim, bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh .
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết thêm, tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân sau khi mổ, được xuất viện sẽ quay lại tái khám sau 7 ngày, tiếp tục tái khám ở tháng thứ nhất và thứ ba. Trong lúc tái khám, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tim, đo điện tâm đồ. Đến tháng thứ 6 và 12, bệnh nhân tiếp tục tái khám, nếu còn uống thuốc kháng đông thì phải khám thường xuyên hơn. Người bệnh được theo dõi kỹ để kịp thời xử lý biến chứng sau mổ nếu có.
Bên cạnh tuân thủ lịch tái khám định kỳ, người bệnh sau mổ van tim cần sống lành mạnh để duy trì hiệu quả cuộc phẫu thuật.
Bệnh nhân tim mạch cần có chế độ ăn uống khoa học: ăn nhiều loại trái cây và rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo, thịt gia cầm, cá và ngũ cốc nguyên hạt; tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm nhiều muối và đường. Duy trì cân nặng hợp lý (BMI 18,5-23), hoạt động thể chất thường xuyên (tối thiểu 30 phút mỗi ngày), kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá... cũng rất cần thiết.
Thu Hà
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 028 7102 6789
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh