Thứ sáu, 22/2/2019, 12:00 (GMT+7)

Thách thức với đặc phái viên Mỹ khi đàm phán cùng Triều Tiên

Stephen Biegun vấp phải nhiều sự phản đối ngay trong nước Mỹ về cách tiếp cận từng bước của ông đối với vấn đề phi hạt nhân hóa.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. Ảnh: AFP.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. Ảnh: AFP.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tối 20/2 tới Việt Nam trong một sứ mệnh nhằm giải quyết những khúc mắc, bất đồng còn tồn tại với Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2, theo Washington Post.

Thách thức của Biegun trong cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol là làm sao để đạt được một thỏa thuận chi tiết có thể vừa làm hài lòng Tổng thống Donald Trump, vừa trấn an những quan chức Nhà Trắng còn hoài nghi như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người từng cảnh báo rằng không thể tin tưởng hoàn toàn Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu tháng trước tại Đại học Stanford, Biegun đã đưa ra tầm nhìn về việc Triều Tiên phải phá hủy các cơ sở làm giàu plutoni và urani để đổi lấy "những biện pháp tương ứng" từ Mỹ. Điểm nổi bật trong số những sáng kiến của Biegun là ý tưởng về một tuyên bố hòa bình giúp chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trên lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến cách đây gần 7 thập kỷ chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

Những cố vấn có quan điểm cứng rắn như Bolton phản đối quyết liệt cách tiếp cận "từng bước" mà Biegun theo đuổi và cho rằng cần duy trì chiến lược gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế để cuối cùng đạt được một thỏa thuận tốt hơn bằng cách làm xói mòn quyết tâm của Triều Tiên.

Bolton từng bày tỏ lo ngại đội ngũ của Biegun đang quá sốt sắng đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên và tin rằng các cuộc đàm phán sẽ thất bại, theo những nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề.

Bolton không phải người duy nhất lo lắng. Tại một cuộc họp liên bộ gần đây, các quan chức cấp cao từ Bộ Tài chính và Lầu Năm Góc đã cảnh báo Biegun không nên nới lỏng những biện pháp trừng phạt hay quá vội vàng hướng tới tuyên bố kết thúc chiến tranh với Triều Tiên.

Trong khi đó, những người ủng hộ Biegun lại ca ngợi nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Triều Tiên của ông trong bối cảnh môi trường đàm phán đầy thách thức.

"Nếu bạn không thích cách tiếp cận này thì tôi không cho rằng bạn đang nghiêng về hướng ngoại giao. Và có thể Bolton thực tế đúng là không phải người như vậy", Tod Lindberg, chuyên gia tại Viện Hudson, nhận xét. "Một chiến lược ngoại giao tốt phải giống như thế".

Các cố vấn Nhà Trắng nói rằng giữa Bolton và Biegun không có bất cứ bất đồng nào, nhưng họ từ chối bình luận về mối quan hệ giữa hai người.

Biegun, 55 tuổi, là một cựu nhà vận động hành lang cho Ford Motor kiêm cố vấn lâu năm cho đảng Cộng hòa. Ông được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa vào chính quyền hồi tháng 8 năm ngoái để phụ trách những cuộc đàm phán cấp thấp với Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore.

Kể từ khi lãnh đạo hai nước đưa tuyên bố chung gồm 4 điểm hướng tới giảm căng thẳng và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hồi tháng 6 năm ngoái, Biegun được giao nhiệm vụ biến những cam kết mơ hồ thành lộ trình cụ thể nhằm chấm dứt mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Biegun không dễ dàng. Theo Michael Green, chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), vấn đề mà Biegun và các nhà đàm phán Mỹ gặp phải nằm ở việc người Triều Tiên không tin tưởng và không muốn thương thảo với cấp dưới của Tổng thống Trump.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford vài ngày sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng gặp Kim Hyok-chol, Biegun cho biết ông nhận thức rất rõ về những lời chỉ trích rằng thỏa thuận đạt được ở Singapore không mang nhiều ý nghĩa.

Trong các cuộc họp với những nhà đàm phán từng làm việc cho chính phủ và chuyên gia ở Washington, Biegun đã tìm kiếm lời khuyên về những cạm bẫy tiềm ẩn khi đàm phán với giới chức Triều Tiên, bao gồm cả việc phân tích những lời lẽ đôi lúc mơ hồ, ẩn ý của họ.

Biegun thừa nhận vẫn không có bất kỳ "ý tưởng mới" nào sau gần ba thập kỷ đàm phán ngắt quãng giữa Washington và Bình Nhưỡng nhưng nhấn mạnh rằng công việc của ông là xác định các cơ hội thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

"Chúng ta có những vấn đề to lớn với Triều Tiên liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nó tạo nên cảm nhận về một cuộc khủng hoảng... Nhưng khi làm việc cùng các đối tác Triều Tiên, chúng tôi có rất nhiều vấn đề khác trong mối quan hệ cần được giải quyết", Biegun nói tại Stanford. "Giả thuyết của tôi là chúng ta có thể giải quyết những bất đồng bên ngoài chủ đề vũ khí hủy diệt hàng loạt hiệu quả hơn nhiều thông qua đàm phán, thay vì chia cắt như hiện nay".

Những người từng gặp Biegun miêu tả ông là một nhà đàm phán am hiểu chính trị và nhận thức rõ ràng các thách thức bản thân phải đối mặt.

Biegun từng là cố vấn về chính sách đối ngoại cho thượng nghị sĩ Cộng hòa Jesse Helms, cố vấn an ninh quốc gia cho lãnh đạo phe đa số tại thượng viện của đảng Cộng hòa Bill Frist. Mặt khác, ông còn làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 2001 đến 2003, dưới quyền cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice.

Dù lúc bấy giờ kinh nghiệm chính sách đối ngoại của Biegun chủ yếu là về Nga, bà Rice vẫn đưa ông tới tham dự các cuộc họp liên quan đến Triều Tiên. Tháng 2/2002, khi tổng thống Bush tới thăm Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), Biegun đã vận động hành lang để ông chủ Nhà Trắng đưa câu "Chủ tịch Kim, hãy phá bỏ bức tường này!" vào bài phát biểu như một thông điệp gửi tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.

Tuy nhiên, đội ngũ của tổng thống Bush đã không đưa câu này vào bài phát biểu, một cựu đồng nghiệp của Biegun nhớ lại.

Năm 2008, Biegun gia nhập đội ngũ tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ John McCain và đối diện với một nhiệm vụ đầy thách thức mới: cập nhật các vấn đề chính sách đối ngoại cho ứng viên phó tổng thống Sarah Palin.

Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên là một công việc chứa đựng rất nhiều rủi ro. Triều Tiên từng từ bỏ cam kết ngừng thử tên lửa được đưa ra trong các phiên đàm phán 6 bên dưới thời tổng thống Bush, xô đổ những nỗ lực miệt mài của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo.

Thất bại kể trên dường như đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan điểm của cố vấn an ninh quốc gia Bolton, người luôn tin rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ thực hiện đúng như cam kết. Theo hai nguồn thạo tin, Bolton đã phàn nàn về cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của Biegun với Ngoại trưởng Pompeo.

"Những người chỉ trích nói rằng không có gì thành công, mọi nỗ lực đều thất bại, nhưng điều đó không đúng", Robert Carlin, cựu chuyên gia phân tích tình báo từng tham gia các cuộc thảo luận về Triều Tiên dưới thời tổng thống Mỹ Bill Clinton, bình luận. "Nhiều người muốn lập tức đạt được kết quả cao nhất, song vẫn có những con đường giúp giảm thiểu rủi ro dù chưa thể ngay tức thì cán đích".

Với Biegun, những lời chỉ trích cuối cùng cũng bị đánh tan bởi sự ủng hộ từ Tổng thống Trump. Dịp Giáng sinh năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng đã củng cố sự tự tin cho Biegun bằng một bức ảnh đăng trên Twitter cho thấy hai người cùng ngồi thảo luận tại Phòng Bầu dục, bên cạnh Allison Hooker, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia.

"Đã có những tiến bộ nhất định", Trump viết dưới bức ảnh. "Mong chờ hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Chủ tịch Kim".

Vũ Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email