"Thật đáng tiếc khi Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thể đạt được thỏa thuận đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh này. Tuy nhiên, dường như hai nước đã đạt được tiến bộ có ý nghĩa hơn bất cứ bao giờ hết", phát ngôn viên Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom hôm nay ra tuyên bố đề cập đến kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội.
Tuyên bố nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Trump sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tốt đẹp cho một cuộc gặp tiếp theo giữa hai lãnh đạo.
Ngoài Nhà Xanh, một số chính đảng ở Hàn Quốc như đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) cũng cho biết rất nuối tiếc trước việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không có thỏa thuận chung, nhưng hy vọng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được nối lại trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ lấy làm tiếc khi không có thỏa thuận chung nào được ký kết giữa hai bên. Quan chức Đức khẳng định nếu Mỹ và Triều Tiên nhất trí được về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo, thế giới sẽ an toàn hơn rất nhiều, đồng thời hy vọng các cuộc thảo luận giữa hai nước sẽ tiếp tục diễn ra.
Trong khi đó Điện Kremlin, Nga, nhận định rằng Mỹ và Triều Tiên có thể đã xóa được bất đồng nếu có động thái nhượng bộ lẫn nhau, dù rất nhỏ. "Dường như hai nước vẫn chưa có những động thái nhỏ để nhượng bộ và thể hiện thái độ mềm dẻo với nhau. Việc thiếu những động thái này và lập trường đòi hỏi của hai bên tất nhiên có thể tạo ra một số rắc rối trong quá trình đàm phán.
Trung Quốc nhìn nhận sự thiện chí của lãnh đạo Mỹ - Triều tại hội nghị là một điểm tích cực. "Chúng tôi mong các bên sẽ tiếp tục đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và giúp duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ nỗ lực trợ giúp tiến trình xây dựng này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 28/2 phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Bên cạnh chính giới, nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc không có thỏa thuận nào được đưa ra sau hội nghị Mỹ-Triều là một kết quả đáng tiếc, bởi lãnh đạo hai nước đã có cơ hội rất quý giá cho một thỏa thuận lịch sử ở Hà Nội.
"Kỳ vọng về một thỏa thuận cụ thể, chi tiết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lên cao hơn bao giờ hết khi hai lãnh đạo ca ngợi về cuộc thảo luận tốt đẹp trong bữa tối trước đó và cuộc gặp riêng sáng 28/2. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần hai cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn còn tồn tại những khác biệt sâu sắc và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau", tiến sĩ Yuan Sha, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc đánh giá.
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên trưa nay bất ngờ kết thúc cuộc đàm phán sớm hơn kế hoạch và rời khách sạn Sofitel Legend Metropole để di chuyển về khách sạn Marriott và Melia. Hai lãnh đạo đã không ăn trưa cùng nhau và ký kết tuyên bố chung như kế hoạch ban đầu.
Trong buổi họp báo sau đó, ông Trump cho biết hai bên còn tồn tại bất đồng liên quan đến lệnh cấm vận của Washington, nhưng khẳng định các cuộc thảo luận với ông Kim diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ. "Chúng tôi vẫn quý nhau, chúng tôi vẫn có một mối quan hệ tốt", ông nói.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian nhưng hai bên sẽ tiếp tục làm việc để đạt được những tiến bộ đi đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.