Thứ ba, 26/2/2019, 21:19 (GMT+7)

Chuyên cơ Không lực Một - 'Nhà Trắng bay' của tổng thống Mỹ

Chuyên cơ Tổng thống Mỹ đóng vai trò đầu não trên không của chính phủ và quân đội Mỹ, thể hiện uy quyền của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bước ra khỏi chuyên cơ Air Force One ở sân bay Nội Bài tối 26/2. Ảnh: Ngọc Thành.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bước ra khỏi chuyên cơ Air Force One ở sân bay Nội Bài tối 26/2. Ảnh: Ngọc Thành.

Chuyên cơ Air Force One (Không lực Một) tối nay đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump tới sân bay Nội Bài, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Chuyên cơ này đã thực hiện hành trình khoảng 19 tiếng liên tục từ căn cứ không quân Andrews để tới Hà Nội.

Khi được hỏi điều gì sẽ khiến ông nhớ nhất khi rời Nhà Trắng, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc ngay tới Không lực Một, chuyên cơ đã đưa ông đi công du khắp nơi trên thế giới trong hai nhiệm kỳ kéo dài 8 năm của mình.

"Không lực Một" thường được dùng để chỉ những chiếc chuyên cơ được thiết kế riêng, giúp duy trì khả năng chỉ huy trong mọi thời điểm và thể hiện uy quyền của tổng thống Mỹ, theo LiveScience.

Trước năm 1943, các tổng thống Mỹ thường sử dụng máy bay dân dụng của các hãng hàng không để di chuyển. Tuy nhiên, lo ngại về việc phải phụ thuộc vào các hãng hàng không, quân đội Mỹ đề xuất hoán cải một chiếc C-87 Liberator Express để làm chuyên cơ phục vụ riêng Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, mật vụ Mỹ bác bỏ phương án trên vì độ an toàn thấp của nó.

Sau đó, một phi cơ C-54C Skymaster được chọn để hoán cải làm chuyên cơ và đặt tên là Sacred Cow (Bò Thiêng). Nó đã chở Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt tới hội nghị Yalta tháng 2/1945, trở thành chuyên cơ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, Roosevelt chỉ được sử dụng nó đúng một lần trước khi qua đời. Chiếc Sacred Cow tiếp tục phục vụ tổng thống Harry S. Truman trong hai năm, trước khi ông chuyển sang sử dụng một máy bay C-118 Liftmaster.

Định danh "Không lực Một" (Air Force One) được đưa ra sau sự cố năm 1953. Chiếc C-121 Constellations mang mã hiệu 8610 chở tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower bay vào cùng không phận với một máy bay dân dụng có cùng mã hiệu của hãng hàng không Eastern Airlines, gây nhầm lẫn cho kiểm soát không lưu.

Kể từ đó, Không lực Một là định danh chính thức được sử dụng để gọi bất kỳ máy bay nào chở Tổng thống Mỹ, nhằm tránh nhầm lẫn với các phi cơ khác.

Ngày 11/9/2001, khi vụ khủng bố gây chấn động toàn cầu xảy ra trên nước Mỹ, tổng thống Bush lúc đó được bảo đảm an toàn bằng cách ngồi trên chuyên cơ và di chuyển qua lại giữa nhiều căn cứ không quân khác nhau để không trở thành mục tiêu tấn công. Hệ thống thông tin liên lạc chậm chạp trên máy bay khiến ông thất vọng. Tổng thống Mỹ sau đó ra lệnh đưa phi cơ Không lực Một vào xưởng để nâng cấp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn trên chuyên cơ Không lực Một. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn trên chuyên cơ Không lực Một. Ảnh: AP.

Không lực Một của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay là mẫu VC-25A, phiên bản đặc biệt được phát triển từ máy bay chở khách Boeing 747-200B và biên chế vào năm 1990. Boeing chỉ sản xuất hai chiếc VC-25A mang số đuôi 28000 và 29000, mỗi phi cơ có giá lên tới 325 triệu USD. Chúng nằm trong biên chế Không đoàn vận tải số 89, đóng tại căn cứ Andrews, bang Maryland, Mỹ.

Tương tự bản Boeing 747 nguyên gốc, VC-25A có hai tầng chính với tổng diện tích mặt sàn khoảng 370 m2, bao gồm phòng họp, phòng làm việc, phòng y tế và các thiết bị tiên tiến nhất để Tổng thống Mỹ làm việc trong chuyến bay. Với các trang bị này, chuyên cơ Không lực Một còn được nhiều người ví như "Nhà Trắng bay" của Tổng thống Mỹ.

Máy bay còn có phòng dành riêng cho cố vấn cao cấp, mật vụ, phóng viên và khách mời đi cùng tổng thống. Dưới bụng máy bay là khoang chở hàng, dùng để chứa hành lý và thực phẩm cho chuyến bay.

Mỗi chiếc VC-25A có ba cửa ra vào, hai cửa trên khoang chính và một cửa cho khoang hàng. Tổng thống Mỹ sẽ lên xuống máy bay qua cửa trước bằng cầu thang, trong khi đoàn tùy tùng sẽ đi vào bằng cửa sau. Khu vực cho phóng viên và đoàn tùy tùng được bố trí như khoang hạng nhất trên các phi cơ chở khách thông thường.

Phần khoang đầu máy bay được đặt biệt danh "Nhà Trắng", là nơi Tổng thống Mỹ làm việc và nghỉ ngơi. Nó gồm một văn phòng làm việc, nơi Tổng thống có thể phát thông báo tới toàn nước Mỹ, cùng khu nghỉ ngơi với giường ngủ, phòng tắm và nhà vệ sinh. Trên phi cơ còn có một phòng họp lớn, trang bị màn hình 50 inch cho hoạt động họp từ xa, cùng nhiều phòng họp nhỏ với tổng cộng 87 điện thoại và 19 màn hình các loại.

Nhờ sử dụng kết nối qua vệ tinh và các băng sóng vô tuyến khác nhau, VC-25A có thể đóng vai trò trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như một cuộc tấn công hạt nhân.

Để tự vệ, nó được trang bị hàng loạt hệ thống gây nhiễu và mồi bẫy để đánh lừa các vũ khí phòng không hiện đại. Hệ thống điện tử được kết nối bằng 383 km dây điện, gấp đôi những chiếc Boeing 747 thông thường. Mạng lưới dây điện được bọc cách ly kỹ càng, nhằm duy trì khả năng hoạt động trong trường hợp máy bay bị ảnh hưởng bởi một cuộc tấn công bằng xung điện từ (EMP).

Bên trong chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ
 
 

Bên trong chuyên cơ Không lực Một của tổng thống Mỹ. Video: ABC.

VC-25A có khả năng chuyên chở 76 hành khách và 26 thành viên phi hành đoàn. Mỗi chiếc dài 70,6 m, sải cánh 59,6 m, cao 19,3 m và khối lượng cất cánh tối đa 375 tấn. Trang bị 4 động cơ của công ty Pratt & Whitney, phi cơ đạt tốc độ tối đa 1.015 km/h, tốc độ hành trình 925 km/h và tầm bay tới 13.000 km. VC-25A được trang bị hệ thống tiếp dầu trên không, cho phép nó bay liên tục trong thời gian dài mà không cần hạ cánh tiếp nhiên liệu.

Tổng thống Obama không phải người đầu tiên bày tỏ lòng yêu mến đối với phi cơ Không lực Một. Cựu tổng thống Bush hồi năm 2014 cũng thừa nhận "ông thấy nhớ những chiếc Không lực Một". "Trong 8 năm, chúng chưa từng để thất lạc hành lý của tôi", ông nói.

Không lực Một "là hình ảnh đại diện cho người Mỹ, là biểu tượng của đất nước chúng ta", Jeff Underwood, nhà sử học thuộc Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ, bang Ohio, nhận xét. "Đối với nhiều người, cái tên Không lực Một không chỉ dùng để nói về một chiếc máy bay mà nó còn là niềm tự hào dân tộc", Underwood nhấn mạnh.

Vũ Hoàng

 

Chia sẻ bài viết qua email