Tokophobia không phải là sự lo lắng quá mức khi nghĩ đến việc sinh con mà giới chuyên môn gọi đó là một bệnh. Giống như việc sợ độ cao hoặc sợ bóng tối, Tokophobia như là một sự ám ảnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một báo cáo về hội chứng sợ sinh con được đăng trên Tạp chí Tâm thần học, Mỹ ước tính có tới 13% phụ nữ cảm thấy ám ảnh và sợ hãi khi sinh con.
Tokophobia có thể chia thành hai nhóm: nhóm những người chưa từng sinh con và nhóm sau xảy ra ở những phụ nữ đã có trải nghiệm sinh nở trước đó. Dù tâm lý sợ hãi dữ dội khi sinh con được coi là triệu chứng điển hình nhất ở những phụ nữ mắc chứng sợ sinh con nhưng đó chưa phải là duy nhất. Ở những người mắc chứng này còn có nhiều triệu chứng giống như bệnh rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chế độ ăn uống đến tâm trạng bản thân. Một vài dấu hiệu khác của chứng Tokophobia gồm: tránh giao hợp, trì hoãn hoặc tránh mang thai mặc dù muốn có con, mất ngủ hoặc gặp ác mộng, giảm ham muốn tình dục hoặc không còn hứng thú với các hoạt động thuộc về sở thích.
Giống như các chứng bệnh tâm lý khác, Tokophobia được chẩn đoán bởi chuyên gia sức khỏe về lĩnh vực tâm thần. Trong một số trường hợp, bác sĩ sản phụ khoa có thể chẩn đoán dựa trên các triệu chứng từ người bệnh. Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân của hội chứng sợ sinh con, đó có thể là kết quả của sự tích lũy những suy nghĩ, nội sợ và định kiến về việc sinh con đã tồn tại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giới chuyên môn xác định được một số yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc Tokophobia bao gồm:
Nỗi sợ về y tế: Thường xảy ra ở nhóm phụ nữ chưa từng trải qua quá trình sinh nở, đó có thể là nỗi sợ hãi về lĩnh vực y tế nói chung, bao gồm sợ bác sĩ, bệnh viện, sợ đau... Nhóm người này cũng có thể là nạn nhân của một trường hợp rủi ro trong y tế nào đó hoặc có nhận thức về các rủi ro và biến chứng khi sinh...
Trải nghiệm sinh nở trước đó: Nguyên nhân này thường gặp ở những người đã từng sinh con, khi mà quá trình lâm bồn của họ đặc biệt đau đớn, khó khăn hoặc phức tạp. Những chị em đã từng bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc phá thai cũng có thể gặp phải nỗi sợ này.
Có tiền sử bị lo lắng, trầm cảm: Chị em gặp các tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm cả lo lắng và trầm cảm cũng có nguy cơ cao sợ mang thai và sinh con. Những người gặp sự cố chấn thương trong tình dục cũng có thể mắc chứng sợ sinh con vì không dám "gần gũi" đối phương.
Dù chưa có thuốc đặc trị hoàn toàn nhưng dùng thuốc và phương pháp trị liệu được coi là phương pháp mang đến kết quả tốt ở những phụ nữ bị mắc chứng Tokophobia. Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu như thuốc chứa chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chất ức chế monoamine oxidase (MAOI) và thuốc chẹn beta... có thể làm giảm các triệu chứng tâm lý lo âu. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên đến gặp bác sĩ tâm lý để có thể được chỉ định những loại thuốc an toàn cho thai kỳ.
Ở phương pháp trị liệu, các liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý và liệu pháp tiếp xúc đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị chứng ám ảnh sợ hãi và các rối loạn liên quan đến lo âu trong đó có Tokophobia.
Điều quan trọng là chị em không nên giấu giếm mà hãy chia sẻ với bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu về nỗi sợ hãi của mình. Họ cần phân biệt rõ ràng giữa chứng sợ sinh con với rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và trầm cảm sau sinh. Các vấn đề tâm lý này đôi khi có những triệu chứng khá giống nhau nhưng cần có phương pháp điều trị khác nhau mới đem lại hiệu quả.
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)