Ngày 26/1, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh được êkíp bác sĩ gây mê và nội soi dạ dày gắp ra dị vật là mảnh xương vịt kích thước 4 cm. Hậu phẫu, sức khỏe chị ổn định, cổ họng không còn đau rát, ăn uống bình thường.
Theo bác sĩ Hằng, xương vịt thường cứng và sắc, có thể gây tổn thương niêm mạc nhiều hơn các loại xương khác, dễ làm rách niêm mạc, dẫn đến viêm nhiễm, áp xe. Xương vịt dễ mắc kẹt ở vị trí sâu trong hạ họng, thực quản, khó phát hiện và gắp ra nếu không được can thiệp y tế đúng cách.
Dị vật thực quản cần được phát hiện và lấy sớm càng tốt. Nếu để lâu, dị vật có thể đâm xuyên thủng ruột, phải phẫu thuật ổ bụng lấy dị vật. Trường hợp đâm thủng thực quản có thể gây viêm trung thất, viêm mô tế bào, viêm màng ngoài tim nếu nhiễm trùng lan đến vùng tim. Nếu dị vật gây áp lực lên khí quản hoặc phế quản có thể dẫn đến khó thở, ho và nguy cơ suy hô hấp.
Những ngày cuối năm, các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật sau các bữa tiệc. Một tháng qua, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận hơn 50 ca.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo mọi người ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện hoặc cười đùa khi ăn, nên loại bỏ xương trước khi cho trẻ em hoặc người già ăn. Người có các dấu hiệu nghi ngờ hóc dị vật như nuốt vướng, đau họng, ho, khàn giọng, tím tái, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để bác sĩ xử lý, tránh biến chứng. Nếu đến muộn sau 24 giờ, tình trạng nhiễm trùng thực quản có thể xảy ra và sau 48 giờ dễ gây áp xe. Người bệnh không dùng các mẹo dân gian như nuốt cơm, uống nước, đập mạnh vào đầu, ngực... vì khiến dị vật đẩy sâu hơn.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |