Một trong những suy nghĩ sai lầm mà tôi thường nghe từ các bạn học sinh và thậm chí là sinh viên rằng những người học xã hội chỉ biết học thuộc và chẳng khó khăn như những người học tự nhiên.
Điều này không phải mới mẻ gì, nhưng nó vốn là một dấu ấn khi mọi người nghĩ về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Phần lớn cuộc tranh cãi giữa hai sinh viên của ngành khoa học này đều đi đến chỉ trích và sử dụng lối tấn công cá nhân nhiều hơn là lắng nghe và phản biện.
Thật khó chịu khi nghe ngành mình học bị một kẻ khác chỉ trích, nhưng sẽ không đi đến đâu nếu cả hai bên chỉ biết công kích nhau.
Ở một khía cạnh là sinh viên xã hội, tôi cho rằng cả hai bên đều có lý do và đủ cơ sở để bảo vệ cho quan điểm của mình. Tuy vậy, với tôi, cả hai ngành đều có vị trí, vai trò, sức mạnh, tầm vóc và độ khó ngang nhau. Và thật ấu trĩ nếu chúng ta chỉ bảo vệ cho bản thân mà lại đi công kích, hạ thấp đối phương.
Với tôi, sự khác nhau giữa khoa học xã hội và khoa hội tự nhiên nằm ở giá trị nó mang lại. Trong khi khoa học xã hội mang trong mình giá trị tinh thần và đôi khi là vật chất, thì khoa học tự nhiên thường nghiêng về giá trị vật chất, phục vụ trực tiếp cho đời sống con người.
>> Người Việt giỏi Toán có làm ra được máy bay, xe hơi, tên lửa?
Đối với khoa học xã hội, lấy một ví dụ điển hình khi các nhà khoa học nghiên cứu về các cuộc cách mạng tư sản thời cận - hiện đại thì nội hàm nó chứa vốn có cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Bản chất cốt lõi là tìm ra được chân lý tương đối (khác với khoa học tự nhiên). Với các nghiên cứu của mình, các sử gia, nhà khoa học đã đóng góp thiết thực vào kho tàng lý luận của tri thức nhân loại, phục vụ trực tiếp cho công tác giáo dục và là tiền đề cho nhiều nghiên cứu chuyên sâu về sau.
Các cuộc cách mạng tư sản còn chứng minh một sự vượt bậc so với phương thức sản xuất cũ là phong kiến, nâng cao đời sống của con người. Việc nghiên cứu cho còn lý giải được sự hoạt động cơ bản của xã hội tư bản và vì sao lại giúp cho đời sống của người dân tốt hơn; nguyên nhân và kết quả của các cuộc cách mạng tư sản có ảnh hưởng trực tiếp đến con người ra sao và tại sao đến hiện nay thì các cuộc cách mạng tư sản lại không diễn ra mạnh mẽ như thời cận - hiện đại.
Tuy thành công là thế, nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn e dè trước sự thành công của cách mạng tháng 10 Nga năm 1917; trở thành hệ thống quốc tế, đối đầu với cực Mỹ - phương Tây trong suốt thời gian dài.
Ở đây, nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và sử học nói riêng đã có cách tiếp cận ở mỗi thời điểm là khác nhau, không có gì là tuyệt đối và chủ nghĩa tư bản cũng đã học hỏi, thay đổi cách thức vận hành để có thể tồn tại. Và vì thế, nếu các nhà khoa học trước có sai lầm trong kết luận thì cũng không phải là một vấn đề lớn, mà sẽ được các nhà khoa học sau bổ sung và phát triển thêm.
Hoặc nghiên cứu về văn hóa, cũng là một yếu tố định hình, giữ gìn và phát triển những giá trị cốt lõi của dân tộc, phục vụ trực tiếp cho đời sống tinh thần của con người. Trong thời đại công nghệ số, khi con người gặp nhau trực tuyến nhiều hơn trực tiếp, lướt mạng xã hội nhiều hơn chăm chút cho giá trị bản thân, thì các giá trị văn hóa, những hệ quy chiếu cần được tái hiện, nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển hơn nữa; không những phục vụ cho công tác học thuật, mà hơn hết là phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của con người, để người với người có thêm tình nghĩa, biết cách đối nhân xử thế.
Xét ở khía cạnh nhà khoa học, thì bản thân họ cũng chịu sự tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, sử dụng lăng kính khác nhau mà kết quả nghiên cứu của một vấn đề lại có kết quả không như nhau. Các nhân tố chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng rất nhiều đến người nghiên cứu; không một nhà khoa học nào đi ngược lại với lợi ích và quyền lợi của giai cấp, dân tộc mình.
Tùy thuộc vào từng nhà nghiên cứu mà thái độ/ góc nhìn/ lăng kính là khác nhau, dẫn đến sự đánh giá không như nhau trong cùng một vấn đề. Sự ảnh hưởng của giá trị học thuật, tri thức, kinh nghiệm, sự tiếp cận đa chiều có thể tạo ra một sản phẩm khoa học được nhiều người chấp nhận và tán đồng. Một trong những điều khiến nghiên cứu khoa học xã hội đôi khi khó hơn nhiều so với khoa học tự nhiên đó là việc phải kết hợp với nhiều chuyên ngành khác nhau.
>> Học trò 'ớn' môn Văn vì bị công thức như Toán
Nếu không, kết quả nghiên cứu dễ bị rời rạc, không mô phỏng một cách toàn diện về sự kiện này. Một lỗi lớn hơn là việc dẫn đến chất đống tài liệu hoặc chỉ đơn giản là kể lại diễn biến, ghi theo kiểu biên niên sự kiện. Tâm lý cá nhân cũng được xem là yếu tố quan trọng để tạo ra các sản phẩm khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.
Điều này yêu cầu các nhà khoa học cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất, tránh để bản thân bị rơi vào tình trạng chỉ tiếp nhận một luồn tư liệu, tô hồng sự kiện hay bôi đen sử liệu mà đi đến việc vội vàng đưa ra kết quả. Rõ ràng, nghiên cứu khoa học xã hội chưa bao giờ là một dễ dàng đối với các chuyên gia, bởi lẽ nó phụ thuộc nhiều vào người nghiên cứu, các nhân tố tác động, sự kiện, vấn đề và kết quả nghiên cứu.
Với khoa học tự nhiên, giá trị mà nó mang lại nghiên về việc phục vụ cho đời sống vật chất của con người nhiều hơn và đôi khi có những sản phẩm lại mang đến hậu quả lớn. Những sản phẩm, công trình, phát minh, sáng chế đều nhắm tới đối tượng là con người. Bản chất cốt lõi ở đây là hướng tới việc tìm ra chân lý tuyệt đối.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu các sản phẩm làm ra mà sai số, dù chỉ là nhỏ nhất thì cũng có thể gây ra hậu quả lớn đối với con người và buộc phải xóa bỏ, làm lại từ đầu. Đơn giản nhất là việc tạo ra trò chơi mạo hiểm tàu lượn siêu tốc; nếu không tính toán kỹ lưỡng và chính xác tuyệt đối thì có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều ca tử vong vì sự sai sót từ trò chơi mạo hiểm mang đến.
Hoặc trong thế chiến thứ hai, nhờ sự vượt bậc về khoa học công nghệ mà Mỹ đã tạo ra được bom nguyên tử, chính thức là quốc gia đầu tiên trên thế giới sỡ hữu loại vũ khí này, đưa họ trở thành cường quốc đứng đầu khối tư bản chủ nghĩa. Nhưng cũng chính vũ khí nguyên tử mà hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đã phải hứng chịu sự tàn phá thảm khốc.
Chính vì những tổn thất vô cùng lớn như vậy, mà đến giờ, nhiều người vẫn còn e sợ những loại vũ khí ấy. Tuy vậy, không thể phủ nhận đóng góp của khoa học tự nhiên đối với đời sống vật chất của con người khi đã tạo ra năng suất lao động, nâng cao đời sống người dân, phục vụ phát triển đất nước.
Thời bối cảnh như hiện nay có thể thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn công nghệ, nhất là trong việc sản xuất công nghệ 5G. Hoặc những nhà khoa học hàng đầu vẫn miệt mài với những nghiên cứu của mình để có thể tạo ra một loại vaccine an toàn 100% với sức khỏe con người hay một loại thuốc đặc trị của thể tiêu diệt corona-virus. Nhờ sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung, mà con người đang ngày càng có cuộc sống tiện lợi hơn, được đảm bảo về sức khỏe hơn, tuổi thọ cũng có thể được duy trì.
Theo quan điểm của tôi, khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên thì đều là những ngành khoa học. Mà đã là khoa học thì mục tiêu của nó sẽ vẫn là phục vụ cho đời sống vật chất, tinh thần của con người. Dù ở thời điểm nào thì điều này sẽ không bao giờ thay đổi; vị trí, vai trò của những sinh viên, những chuyên gia, nhà khoa học xã hội hay tự nhiên đều đáng được tôn trọng và họ có quyền được tôn trọng như nhau. Cái sai của chúng ta khi phán xét một ai đó, thường xuất phát từ yếu kém của chính mình và sự bất lực của bản thân. Thay vì làm cho đối phương hiểu và thông cảm thì đôi bên lại chỉ biết công kích nhau, hạ bệ nhau. Dù bên nào thắng trong một cuộc cãi vả như vậy đều thật chẳng đáng được tung hô.
Nguyễn Tuấn Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.