(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Một hôm, con tôi đi học về, đưa bố mẹ ký bài kiểm tra trên lớp đầy những phép cộng, trừ 4-5 chữ số, trong đó con làm sai một vài câu. Tôi bảo con thử nhìn qua xem có thấy mình sai ở đâu không? Con liền nhìn rồi bảo "chẳng thấy sai ở đâu cả". Phép tính đó con tôi làm thế này: "33.585 : 5 = 67.117". Tôi hỏi con "30 nghìn mà chia cho 5 còn ra một số lớn hơn cả 30 nghìn, thì liệu như vậy có đúng không"? Lúc đó con mới ngớ ra bảo "vậy chắc là sai rồi". Điều đáng nói ở đây là con tôi chỉ cắm đầu cắm cổ vào tính toán, không có một tư duy cơ bản nào khi nhìn bài toán, không biết ước lượng, làm xong cũng không cần biết mình sai - đúng ra sao.
Rồi một phép tính khác thế này: "523 - 98 = 423". Tôi hỏi con thử nhìn nhanh xem có điều gì vô lý không. Con bảo "không" và chỉ biết mình sai khi ngồi tính lại từ đầu. Hẳn là các thầy cô ở trường không dạy cho các con những tư duy cơ bản trước và sau khi thực hiện một phép tính. Và nhất là khi gặp một bài toán có cách phát biểu khác đi, ngay cả một học sinh giỏi cũng có thể nhanh chóng trả lời "khó quá con không biết làm". Học sinh không chịu suy nghĩ, nản chí trước một bài toán có vẻ phức tạp thay vì những bài toán được phát biểu theo mẫu, là một việc thường xuyên gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, lớp càng cao, càng nhiều học sinh như vậy.
Chúng ta luôn coi Toán học là một môn học quan trọng trong nhà trường. Dù ở cấp một, cấp hai hay cấp ba thì Toán luôn là một trong các môn có thời lượng học nhiều nhất. Vì sao lại như vậy? Mục đích của việc học Toán là để làm gì? Hay vì sao con chúng ta phải học Toán? Nếu suy nghĩ một cách trực diện, đơn giản nhất, nhiều phụ huynh sẽ cho rằng phải học Toán vì đó là một môn thi bắt buộc trong nhà trường: thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học... đều cần phải thi Toán.
Vậy học Toán chỉ để thi? Tất nhiên là không phải như vậy. Có nhiều phụ huynh khác có thể hiểu được rằng việc học Toán giúp con phát triển tư duy và một số kỹ năng nào đó, khiến những kiến thức đó trở nên thiết thực, quan trọng. Tuy nhiên, một số khác lại nghĩ rằng "ra đời rồi, Toán học chẳng có ích gì, đến giờ tôi có dùng gì đến Toán đâu". Nghĩ một cách thiển cận, Toán học là cộng, trừ, nhân, chia, là hàm số, logarit... thì điều đó có thể không sai.
>> 'Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều'
Thật buồn vì kiến thức và cách dạy của một số trường hiện nay, phương pháp dạy học của một số thầy cô giáo đã biến hình ảnh môn Toán trở nên méo mó, xấu xí đến như vậy. Tôi có nghe một câu nói vui nhưng rất nghiêm túc rằng: "Không một học sinh nào học hết 12 năm phổ thông ở Trung Quốc có thể đạt giải Nobel ở bất kỳ lĩnh vực nào". Một cách dạy kìm hãm đầu óc sáng tạo, biến học sinh thành "máy giải" cũng có thể làm mai một khả năng của một người, dù xuất phát điểm vượt trội đến mấy.
Vậy mục đích của việc học Toán để phát triển những kỹ năng, phát huy những khả năng gì? Tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, lập luận logic, tư duy phản biện, suy luận định lượng, vận dụng ý tưởng từ đơn giản đến phức tạp, từ chính xác đến trừu tượng... đó là những áp dụng của Toán học vào đời sống. Tôi không thấy có kỹ năng nào là cộng, trừ, nhân, chia thành thạo không cần suy nghĩ. Cũng không thấy kỹ năng giải bài theo dạng không cần suy nghĩ.
Chúng ta thử tìm hiểu xem trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay, học sinh được học những gì? Nếu nói về kiến thức, có thể gói gọn trong mấy dòng cho từng khối lớp (ví dụ là cấp tiểu học):
- Lớp một: Cộng trừ trong phạm vi 10; cộng, trừ trong phạm vi 100; các hình, hình khối cơ bản; đơn vị đo độ dài cơ bản; xem đồng hồ.
- Lớp hai: Phép cộng, trừ trong phạm vi 1.000; làm quen với phép nhân, phép chia; điểm, đoạn thẳng, đường thẳng, đường cong; một số hình khối cơ bản khác; đơn vị đo độ dài, khối lượng, dung tích; ngày, tháng, năm, xem đồng hồ; thống kê cơ bản.
- Lớp ba: Phép cộng, trừ trong phạm vi 100.000; phép nhân, chia số có năm chữ số với số có một chữ số; bài toán rút về đơn vị; góc, điểm, trung điểm; đơn vị đo độ dài, khối lượng, dung tích và diện tích; chu vi, diện tích các hình cơ bản; ngày, tháng, xem đồng hồ chính xác; thống kê cơ bản
- Lớp bốn: Cộng, trừ, nhân, chia số tự nhiên; phân số, trung bình cộng; bài toán tổng – hiệu; đơn vị đo độ dài, khối lượng, diện tích, dung tích, thời gian; góc, hai đường thẳng vuông góc, song song; thống kê, xác suất cơ bản
- Lớp năm: Phân số, hỗn số, số thập phân, tỷ số phần trăm; bài toán tổng – tỷ, hiệu – tỷ; bài toán chuyển động đều; nhận biết khai triển của một số loại khối hình; chu vi, diện tích, diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích; thống kê, xác suất cơ bản.
Tất cả chỉ có vậy.
>> Tôi mệt mỏi khi giải toán lớp 3 cho con
Một đứa bé trung bình, có lẽ chỉ cần học 3-4 tuần, mỗi ngày một tiếng, tức là nhiều nhất khoảng 30 giờ học để nắm được kiến thức của cả một năm học. Vậy mà thời lượng học Toán trên lớp là 4-5 tiết/tuần, 35 tuần/năm, tương đương 140–175 tiết/năm (khoảng 90 giờ), gấp ba lần mức cần thiết. Chưa kể, một số trường học cả chương trình Toán bằng tiếng Anh và tiếng Việt, trên dưới 10 tiết Toán/tuần với một chương trình không được tích hợp và giảm tải những phần kiến thức giống nhau giữa hai hệ thống.
Thời gian thừa thãi đó, đúng ra học sinh phải được học những kiến thức khác, để mở mang đầu óc, để hiểu được Toán học đâu chỉ có cộng, trừ, nhân, chia. Thì ngược lại, các trường thi nhau biến học sinh thành máy giải. "Máy giải" sẽ bắt tay vào nhận dạng bài Toán, đưa ra thao tác đã được lập trình để giải bài toán, và nếu không có gì khác biệt trong đề bài khiến máy giải nhận dạng sai, bài toán sẽ được thực hiện chính xác. Và rồi lại chuyển sang một bài toán khác. Khi gặp một bài toán không thể nhận dạng, máy giải sẽ tự động trả một kết quả "nhiệm vụ không thể thực hiện".
Qua rèn luyện, tốc độ giải bài của một "máy giải" sẽ càng ngày càng nhanh, dù vậy, "máy giải" sẽ dần cảm thấy việc học không còn ý nghĩa, không có niềm vui. Thật đáng buồn nếu ngay cả những học sinh, dù đã ở một đỉnh cao nhất định, cũng có thể thốt lên: "Hết kỳ thi này là con không bao giờ phải học Toán nữa". Như vậy, việc học giỏi còn ý nghĩa gì?
Học tập là cả một quá trình, là tích lũy về tư duy, là việc duy trì niềm vui, thấy được ý nghĩa của việc học. Có nền tảng tư duy tốt, thì việc thi cử chỉ là một thử thách, một lần nhảy rào đê tiếp tục hành trình chứ không phải là cái đích duy nhất của việc học. Vì vậy, đừng bao giờ để con mình bị biến thành máy giải, bố mẹ ạ!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Jenny