Xung quanh câu chuyện 'Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều', nhiều độc giả VnExpress cho rằng, vấn đề không nằm ở lượng kiến thức quá lớn mà ở việc phân loại người học nước ta chưa tốt:
Kể từ khi nền công nghiệp tự động hóa theo dây chuyền tạo ra do Henry Ford (ông chủ tập đoàn xe hơi) phát minh đầu tiên với ngành công nghiệp ôtô thì mọi thứ đã thay đổi. Trước đó, để một công nhân hoạt động trong ngành công nghiệp này, phải học toàn bộ cấu tạo chiếc ôtô, phải tham gia toàn bộ các khâu. Kể từ khi Henry Ford đưa vào dây chuyền, mỗi công nhân chỉ đảm nhiệm một việc duy nhất trong một hệ thống thì năng suất đã tăng lên gấp 8 lần, công việc đơn giản hơn nhiều. Chúng ta hiện nay phải học nhiều hay ít, học theo kiểu toàn diện hay học theo một nghiệp vụ, một năng khiếu duy nhất phụ thuộc rất nhiều vào trình độ tự động hóa phân công lao động của nền kinh tế.
Phương Tây gần như phân loại và xác định được ngay từ nhỏ các học sinh của họ sẽ ở đâu trong hệ thống sản xuất tự động. Học sinh của họ học không quá nhiều mà tập trung vào chuyên môn, thời gian rảnh học những kỹ năng sống cơ bản khác, thậm chí là đi du lịch. Với nền công nghiệp ở những nước như Ấn Độ, Việt Nam,... thì phần lớn học sinh học tới lớp 12 chưa biết mình ở đâu trong hệ thống sản xuất (thậm chỉ chẳng biết hệ thống này có tồn tại không) thì học toàn diện gần như là lựa chọn khả thi hơn. Toán học là một lựa chọn thiên về hướng kỹ thuật để cạnh tranh.
Thực ra cái sai lầm của giáo dục hiện nay không hẳn là kiến thức nhiều không dùng tới mà là thiếu tính phân loại. Chúng ta nên phân loại theo từng cấp học và ngành nghề. Ví dụ cấp 1, cấp 2 thì là phổ cập nên học kiến thức cơ bản nhiều lĩnh vực mà ai cũng cần trong cuộc sống, lên cấp 3 bắt đầu phân theo ngành nghề là vừa.
Ai lao động phổ thông thì học một chương trình, nghiên cứu thì một chương trình khác. Sau đó vào đại học thì phân loại sâu hơn, những kiến thức không dùng tới thì chỉ nên biết sơ sơ tránh lãng phí thời gian và tâm lý sợ môn học đó. Để dành thời gian quý báu cho những môn học hiện nay chưa có như kỹ năng sống, giao tiếp, đạo đức, pháp luật, rèn luyện sức khỏe... hiện đang rất cần thiết.
Theo tôi, vấn đề đang nằm ở cách truyền tải và phân chia môn học. Ta nên phân chia các môn chuyên ngành từ cấp 3, mỗi học sinh học các môn khác nhau chứ không phải cùng lúc hơn chục môn như Việt Nam.
Ta nên dạy toán nâng cao cho những học sinh muốn đi theo chuyên ngành nghiên cứu về toán học hoặc các ngày liên quan nhiều đến toán. Còn các học sinh theo ngành khác thì nên học toán ở mức cơ bản, thay vào đó lại chuyên sâu vào các môn học khác sát với chuyên ngành mình hơn. Lý, hóa, sinh là các môn có tính thực nghiệm cao nhưng ở Việt Nam mới chỉ thấy dừng ở mức lý thuyết và phần đa là tính toán. Như thế thì hiệu quả của việc học sẽ cao hơn.
Một vài ý kiến cho rằng ứng dụng tích phân, vi phân, toán hữu dụng là thật, nhưng những kiến thức về nó thì nên truyền tải cho những người có chuyên môn để phát triển nó, chứ những người khác có biết cũng chẳng làm được gì. Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết về việc học toán và cũng có rất nhiều người thành công, nhưng kiến thức toán ở mức cơ bản đấy thôi, vấn đề là trong đầu họ có gì và dùng nó ra sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.