Nền giáo dục Việt Nam, thẳng thắn mà nói, mang tính cào bằng. Cào bằng học sinh, cào bằng cả giáo viên. Trong một ngôi trường bất kỳ, ví dụ một khối có 10 lớp, mỗi lớp 40 học sinh thì số này sẽ được sắp xếp theo "cơ cấu" 20 học sinh giỏi, 15 học sinh trung bình và năm học kém. Giỏi, trung bình, kém không phải dựa vào học lực mà dựa vào xếp hạng. Thầy cô dạy giỏi đến đâu vẫn không thể thay đổi được mấy "danh hiệu" học sinh này. Học sinh xếp hạng thấp dù có điểm trung bình các môn cao, hơn kém các bạn khác chư tới một phẩy nhưng vẫn bị xem là xếp loại kém. Nhưng nếu đưa sang trường khác, lớp khác, em đó có khi lại đứng top đầu lớp.
Những học sinh đứng đầu lớp, nếu xem kỹ bảng điểm, ta sẽ thấy các em "giỏi đều" các môn. Trong khi những học sinh xếp hạng thấp hơn thường "học lệch", rất giỏi môn này và rất kém môn khác là bình thường. Từ lâu người ta đã không còn xếp hạng học sinh theo tổng điểm các môn nữa vì không công bằng. Học sinh giỏi Toán nhưng kém Văn không nhất định giỏi hơn học sinh giỏi Văn nhưng kém Toán.
Người ta bắt đầu xếp hạng học sinh theo môn học. Từ đó sẽ có những lớp học chỉ gồm toàn những em chỉ giỏi một hoặc vài môn. Và, nhà trường cũng sẽ tuyển sinh dựa theo học lực của từng môn học để xếp vào các lớp khác nhau. Cách xếp hạng này tạo điều kiện dễ phân loại học sinh cho phân ban hướng nghiệp. Lớp nào giỏi môn gì sẽ bố trí thầy cô giỏi môn đó để dạy. Các đại học cũng sẽ tuyển sinh dựa vào điểm tốt nghiệp phổ thông của từng môn dựa vào đặc thù ngành nghề mà đòi hỏi môn này phải có điểm càng cao càng tốt, môn kia chỉ cần đạt trung bình là đủ.
>> 'Lương giáo viên Việt thấp vì dạy lý thuyết bị xem trọng hơn thực hành'
Bởi vì dựa theo học lực của từng môn nên dễ dàng tạo điều kiện cho học sinh nhảy lớp. Một học sinh lớp năm say mê môn Toán có thể học đến Toán lớp chín nhưng các môn khác vẫn học ở lớp năm. Trong khi có những em chỉ 14–15 tuổi đã đậu đại học nhưng vẫn phải học chương trình phổ thông ở các môn khác. Ví như học sinh giỏi Tiếng Anh có thể học khoa Anh ngữ bậc đại học nhưng các môn khác vẫn phải học ở phổ thông. Cào bằng như Việt Nam thì cứ phải tuần tự mà tiến lên từng lớp, nhất định 10 tuổi phải học lớp năm, 14 tuổi phải học lớp chín và 17 tuổi học lớp 12, cho dù có môn nào yêu thích học nhanh hơn thì cũng phải dừng lại để chờ lên lớp.
Chúng ta đã quên rằng, cho dù học nhanh đến đâu thì độ tuổi lao động thấp nhất vẫn phải là 18 tuổi. Thế thì, vì sao ta phải ngăn chặn những học sinh mới 18 tuổi đã tốt nghiệp đại học? Học sinh Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết là một thực tế. Mạch điện bắt song song hay bắt nối tiếp, học sinh rất giỏi trên giấy với vô số bài tập, còn bắt mạch điện thực tế ở ngoài như thế nào thì hết sức lơ mơ.
Ở các nước tiên tiến, các trường phổ thông thường có các câu lạc bộ để cho học sinh thực hành, xây dựng mô hình các loại dựa trên lý thuyết đã học. Việc làm ra máy bay mô hình (bay được và điều khiển từ xa), học sinh người ta vẫn làm được. Làm được máy bay mô hình bay được ở độ cao vài chục mét không có nghĩa là làm được máy bay thật bay ở độ cao vài km. Từ máy bay mô hình đến máy bay thật, khoảng cách còn xa đến cả vạn dặm. Tuy nhiên, học sinh giỏi thực hành sẽ có tư duy thực dụng hơn những em chỉ giỏi lý thuyết.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tôi không học môn Công nghệ vẫn vẽ kỹ thuật tốt
>> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa không xuyên suốt'
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Với tư duy thực dụng này, khi bắt đầu học các bậc học cao hơn về kỹ thuật, người học sẽ nảy sinh ra tư duy sáng tạo. Còn ta, bậc phổ thông dạy "lý thuyết", "thụ động", "nhồi nhét" thì ở đại học cũng vẫn như thế, đến mức có người nói đại học Việt Nam chỉ là "lớp học nối dài" của phổ thông. Với cách học như vậy, ngành cơ khí chế tạo nước ta sẽ tạo ra những cái máy có vỏ "made in Vietnam" còn ruột thì hoàn toàn nhập ngoại. Thậm chí, việc chế tạo cái vỏ thôi cũng đã gần như biến mất, 100% linh kiện nhập ngoại với cái mác "hàng Việt" được dán lên để tiện cho việc xuất khẩu.
Ngành chế tạo như vậy thì các ngành khác cũng chẳng khá hơn. Nơi nào cũng "nhập ngoại", từ máy móc thiết bị đến biện pháp quản trị, chỉ có mỗi con người là thuần Việt mà thôi. Rốt cục, người Việt "thông minh học giỏi" có thể sáng tạo ra được cái gì?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.