Điều này nghe có vẻ vô lý bởi giải toán nhiều thì phát triển trí thông minh, kỹ năng tư duy logic, hoàn toàn có lợi cho học sinh, sao lại bảo lạc hậu? Học sinh Việt Nam học toán từ rất sớm, trải qua 12 năm học, các kỹ thuật giải toán được học rất nhiều. Từ giải phương trình bậc nhất bậc hai, giải tam giác đường tròn,... đến tính đạo hàm, vi phân, tích phân... Đến lượt các kỹ thuật đó được lồng vào rất nhiều dạng toán khác nhau, ví dụ giải phương trình bậc nhất bậc hai có tham số, tìm số nghiệm; tích phân để tính diện tích, tính thể tích... Chúng ta dạy các kỹ thuật giải toán (mà không phải em nào sau này cũng dùng đến) và ra các dạng toán dùng các kỹ thuật lắt léo đó để đánh đố học sinh rất nhiều.
Và vì toán học là môn khoa học được người Việt Nam rất xem trọng (học sinh giỏi toán nhìn chung được nể hơn các môn học khác) nên tư duy "giải nhiều dạng toán là rất tốt" cũng xâm nhập vào các môn khoa học tự nhiên khác, như vật lý, hóa học, sinh học. Ví dụ như một quyển sách luyện thi đại học môn vật lý, tính sơ sơ cũng đã gồm 50 dạng toán khác nhau cho học sinh làm. Vật lý và Hóa học là hai môn khoa học thực nghiệm, nhưng cách dạy và ra đề thi đại học của chúng ta biến hầu hết nội dụng trở thành "giải toán" với các con số trên giấy mà không biết sau này các em sẽ dùng nó cho việc gì (chỉ riêng lý thuyết thì may lắm các em còn nhớ được).
>> Tôi không hiểu học sinh học tích phân, lượng giác để làm gì?
Trong bài viết này, tôi chỉ nói riêng việc ra nhiều dạng toán là không thể giúp ích cho các em. Các dạng toán dùng trong ba môn toán lý hóa hiện nay, được dạy theo hướng cung cấp một loạt công thức và kỹ thuật giải, rồi dạy cách sử dụng phối hợp chúng cho các dạng toán. Có thể ví von với việc người dạy cung cấp nguyên liệu thịt cá rau củ (công thức), hướng dẫn chế biến (cách giải), rồi cầm tay chỉ dẫn học viên tạo ra món ăn (giải và sửa bài). Học sinh được mớm sẵn các dạng toán và nhiệm vụ của chúng là học theo chỉ dẫn như cái máy. Chúng chỉ tư duy ở bước thứ ba (giải thế nào cho ra) chứ còn vì sao người ta ra được dạng đó, áp dụng dạng đó để làm gì trong một bài toán thực tế, thì chúng không cần biết.
Trong khi thực tế cuộc sống lại đòi hỏi bài toán rất chỉn chu. Ví dụ như nấu ăn phải suy nghĩ từ việc mua nguyên liệu gì, chế biến thế nào, thay đổi cách chế biến thế nào cho ra khẩu vị khác, giải quyết các vấn đề phát sinh khi chế biến. Hoặc như chế tạo ra một thiết bị phải lên ý tưởng, đánh giá và chọn ý tưởng, thiết kế ban đầu, thiết kế chi tiết, chọn phương án chế tạo, đánh giá, cải tiến. Nghĩa là giải quyết vấn đề theo hệ thống.
Trong khi đó, theo cách giải toán được học ở phổ thông, các em không có tư duy giải quyết vấn đề từ đầu đến cuối, chỉ việc suy nghĩ làm sao ra kết quả ở bước cuối cùng. Không có người mớm sẵn các dạng toán, các em khó lòng làm được nhiều bài tập. Nếu vậy thì các em sẽ hệ thống được gì? Và làm sao các em không chóng quên, uổng phí những ngày đêm dùi mài sách vở.
Tôi cho rằng giải nhiều dạng toán không phát triển trí óc được bao nhiêu. Chúng chỉ đơn giản là đánh đố nhau. Nhưng tại sao phần nhiều giáo dục của chúng ta đi theo hướng như vậy? Vì đơn giản chương trình học của chúng ta đã quá nặng. Nội dung học các môn khoa học tự nhiên rất nhiều, trên lớp không thể giảng hết và học sinh cũng không tiếp thu nổi. Như vậy chỉ còn cách cô đọng nó thành nhiều công thức và dạng toán để mớm sẵn cho học sinh.
Chúng ta cho rằng thước đo đánh giá độ thông minh và chăm chỉ của các em chính là giải toán. Nếu em nào giải được toán càng khó và càng nhiều thì em đó được đánh giá là thông minh và chăm chỉ. Thước đo này cũng được áp dụng để tuyển sinh đại học, bằng cách làm đề thi đại học. Do đó từ nhiều năm nay, các dạng toán "đẻ" ra càng ngày càng nhiều và biến hóa hơn, các em cũng phải luyện thi luyện đề nhiều hơn. Chúng phục vụ mục đích: để lọc ra các em theo thước đo thông minh và chăm chỉ mà chúng ta đã thừa nhận.
>> Tôi mừng vì con học trường tư 'ngố' hơn bạn bè trường công
Tôi mong rằng xã hội đánh giá lại thước đo này có đúng không, còn đúng được bao nhiêu và sai bao nhiêu? Trong khi bắt học sinh lao vào học để đánh giá theo thước đo đó, thì tôi cho rằng chúng ta đã làm hại các em theo các cách như sau:
Học sinh nhiễm thói bị động: Các em bị động trong cách tìm tòi vấn đề, giải quyết vấn đề, vì thực ra các vấn đề đã được mớm sẵn trong các dạng toán; và cách giải quyết nó cũng được dạy, các em phải kiên trì làm cho nhuần nhuyễn. Lâu dần các em không biết moi ra vấn đề trong bài toán cuộc sống như thế nào nữa. Các em (bị ép) học vì thi cử thì các em chỉ biết giải quyết vấn đề thi cử mà thôi.
Các kỹ năng thực tế không có: Như kỹ năng đo đạc, dùng dụng cụ, đọc tài liệu, thuyết trình, viết luận, trình bày báo cáo... những thứ giúp ích cho các em trong sự nghiệp thì hầu như chương trình học thiên về giải toán sẽ không dạy được gì.
Học sinh bị "bỏ rơi" rất nhiều: Vì thực ra toán cũng là một môn học khó và có liên quan từ lớp dưới lên lớp trên; nếu em nào bị hổng lớp dưới thì các lớp trên cũng dần tụt xa hơn. Với nội dung học toán lý hóa nặng nề như phổ thông, thầy cô giáo không có thì giờ kèm cặp những em bị hổng kiến thức, em ấy sẽ bị "bỏ rơi" trong dòng lũ con số. Nhiều em bị đánh giá trở thành học sinh dốt vì không giải được phương trình bậc hai, trong khi chúng khá ở những mặt khác, chưa kể chúng không có nhu cầu dùng phương trình bậc hai để làm việc sau này.
Góp phần cho việc dạy thêm học thêm tràn lan: Vì chương trình học nặng và nhiều dạng toán, các em tốt hơn nên đi học thêm để được thầy cô luyện cho đúng trọng tâm các dạng đề.
Học sinh chây lười khi lên đại học: Khác với phổ thông, đại học là môi trường yêu cầu tự học, tự tìm thông tin trong tài liệu, tự đặt vấn đề và giải quyết vần đề theo hệ thống. Các bài tập của đại học thường ra dưới dạng bài tập lớn, đánh giá sinh viên theo thước đo kỹ năng tổng hợp (đọc, ghi chép, phân tích, viết luận, thuyết trình...) và tư duy hệ thống chứ không theo thước đo đánh đố giải toán như phổ thông. Giải toán nhiều thì cũng tư duy đấy nhưng làm một bài tập lớn còn đòi hỏi tư duy hơn nhiều. Tôi cho rằng rất nhiều bạn từ phổ thông học giỏi nhưng lên đại học không theo được các môn nguyên nhân một phần vì thói quen giải toán "mớm sẵn" như trên.
>> Áp lực thi cử khiến 10 năm thanh xuân phí hoài
Trên đây, tôi xin phân tích vài ý để giải thích việc giáo dục phổ thông chú trọng vào giải toán không còn phù hợp. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều cách để hướng giáo dục phổ thông phục vụ thực tế cuộc sống hơn. Chúng ta không bắt các em phải học các kỹ năng để làm việc như ở đại học nhưng chúng ta có thể giảm bớt các tác hại từ việc đầu tư giải toán không cần thiết ở phổ thông. Được như vậy các em có thời gian để phát triển bản thân, tâm lý, thể chất và cũng tiết kiệm nguồn lực của xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.