Gần đây, chúng ta bàn nhiều về chuyện "học tiếng Anh bao nhiêu là đủ?". Với tôi, Tiếng Anh cũng giống như cái kìm, cái búa của anh thợ, hay cái khuôn của chị đúc bánh, tấm lưới của bác đánh cá vậy. Chị làm bánh hoàn toàn có thể vắt bằng tay, nhưng muốn làm nhanh và nhiều thì sẽ phải dùng khuôn. Bác đánh cá có thể đi mò bằng tay không, tát hồ hoặc đi câu, nhưng muốn bắt được nhiều mà khỏe thì phải dùng lưới.
Tiếng Anh cũng chỉ là một công cụ làm việc phục vụ cho con người như thế, nên khi chúng ta cần đến nó trong những hoàn cảnh cụ thể thì mới nên sắm công cụ (học tiếng Anh). Nếu bạn không cần dùng đến thì học tiếng Anh, mua khuôn, mua lưới, mua búa... làm gì? Không lẽ chỉ để trưng cho đẹp hay sao?
Ở đây, chúng ta cần hiểu rõ với nhau rằng, học tiếng Anh cũng cần có mục đích, mục tiêu rõ ràng. Hãy đặt cho mình câu hỏi: dùng tiếng Anh vào việc gì? Trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ biết được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi cá nhân cụ thể, để từ đó hiểu rằng mình có cần học không và học sâu đến mức nào?
Tiếng Anh không có tầm quan trọng chung cho toàn xã hội nên đừng vì thấy người khác học nhiều mà bạn cũng mặc định mình phải đua theo để không bị thua kém. Nếu bạn học được nhiều ngôn ngữ, nhưng bạn lại chỉ sống một mình trong một hang động thì mọi ngôn ngữ bạn có liệu có ích gì cho sự tồn tại của bạn?
>> Tôi chẳng biết học tiếng Anh để làm gì
Xin lấy một ví dụ cụ thể từ bản thân tôi để các bạn rõ hơn về chủ đề này. Năm 2002, hồ sơ học tập của tôi đủ điều kiện để giành học bổng du học toàn phần. Nhưng có một vấn đề cản trở đó là tôi phải thi IELTS. Trong lần thi đầu tiên, tôi chỉ đạt được 4.5. Về nhà, tôi nằm suy nghĩ "nếu giờ không học tiếng Anh thì không sẽ được đi du học nên không còn cách nào khác là phải học để cải thiện thành tích".
Và thế là tôi cắm đầu vào học tiếng Anh ngày qua ngày. Vì xác định được mục tiêu cho mình nên tôi không phải mất thời gian đắn đo xem ý nghĩa của việc học tiếng Anh. Sau ba tháng, tôi thi lại và nhận được kết quả điểm số 6.5 - đủ để lọt được vào một trong 17 trường hàng đầu của Australia lúc bấy giờ. Tôi quyết định chọn học ở Queensland. Đó, nếu khi ấy tôi không xác định được mục tiêu là phải đi du học thì liệu tôi có học được tiếng Anh nhanh và hiệu quả như vậy không?
Nhiều người phân tích thứ này, thứ kia, nhưng thực tế, tôi thấy các bạn chưa nắm rõ về chữ "học". Học không chỉ lên lớp ngồi nghe giảng mới gọi là học. Học cũng không có điểm mốc "quá muộn", không có "quá dài", không có "quá đủ", mà phải "học, học nữa, học mãi". Thế hệ chúng tôi ngày xưa đi học không có ngành IT, đã phần toàn tự học. Nhưng giờ nhiều bạn trẻ cũng phải hộc tốc học đuổi theo cũng chưa chắc theo kịp những người tự học về lập trình, viết ứng dụng của thế hệ trước.
Nói vậy để thấy, học tiếng Anh thực ra không khó, không có tuổi nào là muộn để bắt đầu. Quan trọng là bạn phải học có mục đích rõ ràng, có như vậy mới hiệu quả và nhận được những giá trị xứng đáng mà ngôn ngữ này mang lại. Chứ không chỉ học một cách mông lung, thụ động, để rồi đến một lúc nào đó mệt mỏi lại quanh quẩn với câu hỏi: học tiếng Anh để làm gì?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.