Nhiều người Việt thường có một tư duy rất buồn cười và cực kỳ phổ biến, đó là sau 30 tuổi "không học được nữa". Ai cũng bảo phải học này học nọ đi, già rồi sẽ không thể học được... Nhưng khá kỳ quặc là tôi gặp các đồng nghiệp phương Tây, họ có tuổi trẻ để sống, chơi, sẵn sàng nghỉ việc 1-2 năm để hưởng thụ cuộc sống, xem đó là chuyện rất bình thường, chứ không nặng nề học và làm như ở ta.
Trong khi đó, với họ, sự học kéo dài cả đời, không bao giờ được nghỉ. Ngay cả các giáo sư cũng phải ra bài nghiên cứu hàng năm. Họ không bao giờ có khái niệm "học xong", thay vào đó, họ vừa học vừa làm. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều người Việt khi chúng ta hầu hết học đại học xong là vứt hết sách vở, vài chục năm sau không cầm lại bất kỳ quyển sách chuyên ngành nào. Nhiều người đi làm về lại nằm ườn ra xem Facebook, YouTube, TikTok... hoàn toàn không có ý thức học tập và rèn luyện.
Chính vì cái tư tưởng "học vội nhưng không học dài" này nên chúng ta nhìn quanh thấy cái gì cũng gấp gáp, phải học thật nhanh, thật sớm, nhưng lại không học được nhiều như người ta. Tôi khẳng định, việc học tiếng Anh từ cấp hai, cấp ba chẳng có gì là muộn cả. Ngược lại, rất nhiều cháu học tiếng Anh rất tốt nhưng lại không có chuyên môn để làm nghề, tiếng Anh giỏi nhưng kỹ năng sự phạm không có nên cũng chẳng đi dạy được. Thế là, họ cứ loay hoay mãi, cuối cùng, vốn tiếng Anh đó cũng chỉ để giao lưu online, xem phim, nghe nhạc là chính.
>> Lên chức trưởng phòng mới hối hận vì kém tiếng Anh
Nên nhớ, thứ đưa con người tới tầm hiểu biết vô hạn là sự ham học hỏi và tính tò mò, thích khám phá, chứ không phải là tiếng Anh. Bây giờ, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quá phổ cập, nhưng thử hỏi được bao nhiêu người hiểu biết ngoại ngữ này tới mức vô hạn? Đúng là ngày nay bắt buộc phải học tiếng Anh, nhưng cũng đừng thần thánh hóa nó.
Tôi thấy nhiều người ít ra thế giới, nên cứ thần thánh tiếng Anh, thần thánh văn hóa phương Tây, đến mức để người ta xem rẻ mình. Lên các hội nhóm du lịch của người phương Tây khi nói về nước ta, nhiều khi tôi thấy buồn với hình ảnh người Việt trong mắt họ. Thế nên, đừng nghĩ chúng ta dễ dãi với họ là được họ trân quý, mà ngược lại, cái gì dễ quá lại hay bị xem thường.
Trong công việc, quả thực tiếng Anh là công cụ đắc lực, nhưng không phải tất cả. Nếu bạn chỉ giỏi mỗi tiếng Anh thì cũng chỉ làm được phiên dịch, dịch thuật... chứ không có chuyên môn thì làm gì được? Sự đào sâu về mặt chuyên môn mới là thứ mọi xã hội đều cần. Và tôi cũng chẳng hiểu nổi, tại sao nhiều người cứ sử dụng tiếng Anh - tiếng Việt lẫn lộn theo kiểu lai căng để làm gì? Nó có thực sự cần thiết đến mức ấy, hay chỉ là sử ảo tưởng của bạn về sức mạnh của tiếng Anh?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.