Luyện thi IELTS từ tiểu học là xu hướng ngày càng được nhiều bậc phụ huynh Việt định hướng cho con em mình. Việc này xuất phát từ quy định điểm IELTS được quy đổi thành điểm thi tốt nghiệp, được dùng để xét tuyển đại học. Cũng vì vậy mà nhiều cha mẹ sẵn sàng đầu tư nhiều tiền bạc, cho con đi học trung tâm luyện thi IELTS ngay từ khi kiến thức tiếng Việt của các con còn chưa vững.
Độc giả Xacutarav phản đối chuyện cho trẻ luyện thi IELTS từ sớm: "Thật nực cười với khái niệm 'luyện thi IELTS' - một khái niệm có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Tiếng Anh là một ngôn ngữ, còn IELTS là một công cụ đánh giá. Tại sao lại đánh đồng với nhau thành kiểu một môn học để rồi 'đẻ' ra các trung tâm luyện thi?
Hãy cứ cho con bạn học tiếng Anh như một ngôn ngữ, tại mỗi lứa tuổi sẽ có những bài test riêng phù hợp với lứa tuổi để đánh giá kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh. Ví dụ như starters, movers, flyers, ket, pet... Khi con bạn đủ lớn, đủ kiến thức xã hội và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh, thì khi đó hãy cho chúng thi IELTS để đánh giá trình độ, chứ sao phải luyện thi? Đừng nhầm lẫn khi cho rằng IELTS là một môn học nên phải luyện. Hãy học và hành để thành thạo các kỹ năng, sau đó bạn muốn thi cái gì thì cũng sẽ đạt điểm cao, kể cả IELTS hay đại học".
Đồng quan điểm, bạn đọc Oceania nhận định: "Tuyển sinh đại học sử dụng điểm IELTS thì đúng, nhưng trẻ cấp một đã phải luyện thi thì tôi kịch liệt phản đối. Làm như vậy là phá nát tương lai của các con. Tuổi đó chỉ nên học các câu đơn giản, các chủ đề phù hợp lứa tuổi. Cấp một nội dung học tiếng Việt là học chữ, học đọc, học viết, học các câu đơn giản, nội dung học cũng chỉ là giới thiệu sự việc xung quanh, như giờ ra chơi, cảnh sinh hoạt gia đình... thế nên học tiếng Anh cũng vậy. Băt các em luyện thi IELTS, lắp bắp mấy câu còn chưa xong, chỉ có cách học thuộc lòng, vậy còn giá trị gì?".
>> Xem thường ngoại ngữ khi làm việc không dùng đến tiếng Anh
Chỉ ra sai lầm khi ép con trẻ học IELTS theo kiểu luyện thi, độc giả Ha Nguyen phân tích: "Trẻ nhỏ nên được dạy ngôn ngữ, chứ không nên luyện thi, vì áp lực và đánh giá ở độ tuổi cấp tiểu học là không chính xác, dễ gây tâm lý sợ sệt cho các bé. Ở nước ngoài, cấp này, học sinh học còn không có điểm, chỉ đánh giá đạt hay không mà thôi. Ngôn ngữ thì không cần lớn mới dạy mà càng sớm càng tốt, nhưng quan trọng là học gì và học thế nào? Tốt nhất là cho trẻ học qua giao tiếp và nghe nói, vì các em sẽ tiếp thu một cách tự nhiên.
Bản thân tôi luôn cố dùng tiếng Anh để nói chuyện, giao tiếp với con. Tôi cũng khuyến khích con xem các chương trình tiếng Anh từ nhỏ. Giờ con học lớp 1 nhưng có thể chia sẻ mọi thứ từ đam mê, phim ảnh, trò chơi, âm nhạc, cả thời sự bằng tiếng Anh rất trôi chảy, với vốn từ vựng được dung nạp tự nhiên thông qua YouTube, TV, sách truyện và các trò chơi...".
Cho rằng việc bắt trẻ luyện thi tiếng Anh từ sớm là một biểu hiện của bệnh thành tích, bạn đọc Diepph bình luận: "Thật nực cười với kiểu ép con luyện thi IELTS từ lớp 1. Nó giống việc luyện gà nòi. Ở các nước châu Âu, để rèn luyện tiếng Anh cho trẻ em, người ta cho trẻ từ 2-3 tuổi xem phim tiếng Anh có phụ đề cho đến khi trưởng thành. Kết quả là trẻ sẽ nói tiếng Anh như người bản xứ.
Ngôn ngữ liên quan đến văn hóa, vì vậy việc học tiếng Anh thông qua chương trình truyền hình và phim ảnh là cách tuyệt vời và rất phù hợp về mặt kinh tế. Mục đích học tiếng Anh là để giao tiếp và tiếp thu kiến thức của nhân loại. Điều này cũng tương tự như thể thao. Thay vì huấn luyện gà nòi để thi đấu mà không có tác dụng gì, việc nâng cao sức khỏe của toàn dân và thể thao học đường mới quan trọng.
IELTS chỉ cần thi để đi du học, không phải là thứ quá quan trọng. Ngay cả khi có điểm IELTS 7.5, việc hiểu văn hóa để nói tiếng Anh trôi chảy vẫn cần thiết hơn. Việc tuyển sinh đại học và cấp ba bằng IELTS đang vô tình tạo nên một cuộc chạy đua luyện thi IELTS phản tác dụng".
IELTS là bài kiểm tra Anh ngữ quốc tế, dùng chủ yếu để ứng tuyển đại học, định cư, xin việc. Theo IDP - một trong hai nơi tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, không có quy định nào về độ tuổi nhưng thí sinh được khuyên đăng ký khi đã trên 16 tuổi. Chuẩn đầu ra của một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh hiện phổ biến ở mức 6.5-7.0.
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.