Bản thân tôi là một người từng du học, có chứng chỉ ngoại ngữ và đang đảm nhận vị trí công việc cần dùng tiếng Anh thường xuyên, cũng từng làm công việc thuần Việt. Đọc bài viết "Đòi hỏi tiếng Anh vô lý khi xin việc", tôi xin được nhận xét như sau:
Thứ nhất, nếu hỏi "tiếng Anh có thật sự thiết yếu cho đa số công việc hay không?", câu trả lời của tôi là "không". Trừ khi bạn làm các công việc phải trao đổi trực tiếp với sếp và khách hàng người nước ngoài thì mới cần yêu cầu kỹ năng tiếng Anh tốt. Còn nếu công việc chính của bạn chỉ cần tiếng Anh ở mức đủ để đọc hiểu tài liệu nước ngoài thì hiện nay không thiếu các phần mềm dịch rất tiên tiến có thể hỗ trợ rất tốt. Thế nên, bạn chỉ cần biết tiếng Anh ở mức trung bình yếu là vẫn có thể hiểu ý 95-98% văn bản rồi.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn sẽ có được công việc tốt ngay cả khi yếu tiếng Anh vì yêu cầu trình độ ngoại ngữ hay không, ở mức nào vẫn là quyền của người tuyển dụng. Họ có quyền đưa ra yêu cầu mà mình cho là cần thiết, còn việc thấy phù hợp để ứng tuyển hay không là việc của bạn. Người ta yêu cầu và vẫn tuyển được người nên mới giữ như vậy. Còn nếu là đòi hỏi vô lý thì họ đã không tuyển được ai và phải bỏ yêu cầu đó đi rồi.
Thứ hai, người ta thường nói "tiếng Anh chỉ là công cụ để làm việc". Điều đó không sai, nhưng nhiều người lại chưa hiểu hết được tác dụng của công cụ này. Cái quan trọng của việc học một ngôn ngữ khác không chỉ là để hiểu, mà còn là cơ hội để bạn được tiếp xúc thường xuyên với văn hóa, con người, tư tưởng, tập quán của những người nói và học ngôn ngữ đó. Cụ thể ở đây, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, ngôn ngữ kinh doanh, kinh tế, tài chính... Thế nên, khi bạn biết một ngoại ngữ (không chỉ tiếng Anh) tầm hiểu biết và tư duy của bạn sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.
>> 'Ảo tưởng sức mạnh khi có IELTS'
Chưa kể, với bối cảnh thế giới phẳng như bây giờ, có rất ít công ty không cần giao thương với nước ngoài. Bạn chỉ là nhân viên phụ trách một mảng giới hạn nào đó có lẽ không cần đến ngoại ngữ ngay tại thời điểm này. Nhưng bạn càng lên cao sẽ càng thấy cần ngoại ngữ vì không thể cứ phụ thuộc hết vào phiên dịch mãi được.
Nhiều ông chủ, bà chủ công ty mà tôi biết, dù lớn tuổi nhưng họ vẫn cắp cặp đi học tiếng Anh. Sau khi biết tiếng Anh, họ lại đi học thêm tiếng Trung, tiếng Pháp... để có thể giao tiếp trực tiếp với các đối tác nước ngoài, và đặc biệt là giữ cho đầu óc của mình luôn linh hoạt, rộng mở. Người ta đã ở vị trí cao như vậy mà còn ngày ngày học ngoại ngữ, thì tôi không hiểu lý luận của những người cho rằng tiếng Anh không quan trọng thế nào? Chẳng lẽ các bạn định gắn bỏ cả đời với một vị trí không cần dùng gì đến tiếng Anh và bằng lòng với điều đó, không muốn vươn lên?
Trước đây, chuyện học sinh phải học Toán, Lý, Hóa cũng từng bị chê lên chê xuống vì quá nặng tính hàn lâm, không áp dụng được vào thực tế công việc. Chuyện học Tiếng Anh trong trường phổ thông lại bị chê là không giúp học sinh giao tiếp được. Bây giờ, phải có đủ bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc viết) để thi chứng chỉ quốc tế như IELTS thì lại bị chê là "ngáo bằng cấp". Thế rốt cuộc, chúng ta muốn học gì, thi gì mới là có ích?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.