Bằng đại học chuyên ngành Tiếng Anh là tấm bằng đại học thứ ba của tôi, được cấp bởi Khoa tiếng Anh – Viện Đại học mở Hà Nội. Tôi học sau C nên chỉ mất sáu học kỳ, còn học từ đầu như sinh viên năm nhất phải học tới 10 học kỳ, tức 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, tôi có hơn 10 năm làm phiên dịch tiếng Anh.
Tôi có thể dịch hàng chục chuyên ngành khác nhau, trừ chuyên môn là Bác sĩ thú y, Chăn nuôi hay Công nghệ lên men. Còn về lĩnh vực vũ khí, máy bay chiến đấu, thú thực là tiếng Việt của tôi kém hơn tiếng Anh. Tiếng Anh ngành thép thì phải làm để kiếm sống, nhưng tự động hóa hay điện tôi cũng dịch được. Đi phiên dịch lắp máy trên công trường là nghề, phiên dịch đàm phán hợp đồng xây lắp tôi cũng từng làm qua, đàm phán hợp đồng thương mại cũng không lạ lẫm gì. Tôi cũng đã dịch cả hợp đồng tín dụng và một số sách ngành Y. Đấy còn chưa kể văn thơ, dịch truyện ngắn tôi cũng dịch được.
Nói như vậy để thấy, tiếng Anh có thể ở rất nhiều chuyên ngành hoàn toàn khác nhau, mà người làm ở ngành này chưa chắc làm được ở ngành khác. Tôi xin khoe khoang một chút như vậy để các bạn đừng nói tôi kỳ thị tiếng Anh. Thậm chí, tôi vô cùng biết ơn tiếng Anh là khác, vì không có nó làm sao tôi sống được?
Tôi xin kể hai câu chuyện vui như sau:
Câu chuyện thứ nhất: Một người vào hàng kính để mua, anh ta thử hết cái này đến cái khác mà không ưng một chiếc nào. Ông thợ kính thấy vậy bèn hỏi: "Sao anh không ưng?". Anh ta trả lời: "Tôi đeo thử mãi mà không cái nào đọc được báo". Ông thợ kính mới tò mò nhìn tờ báo thì thấy anh chàng cầm ngược, mới sinh nghi hỏi: "Anh có biết chữ không?". Ông khách mua kính liền đáp: "Không, tôi thấy mọi người hay mua kính để đọc báo nên tôi mới tìm mua một cái".
Câu chuyện thứ hai: Một nhà bác học đi qua sông, cậy mình tài giỏi mới hợm hĩnh hỏi anh lái đò rằng: "Anh có biết toán học không?". Anh lái đò trả lời "không". Nhà bác học lại nói: "Thế thì anh mất một phần ba cuộc đời rồi. Thế anh có biết Vật lý không?" Anh lái đò trả lời "không". Nhà bác học lại bảo: "Thế thì anh mất hai phần ba cuộc đời rồi". Bỗng nhiên con đò bị thủng, nước tràn vào khiến đò sắp chìm. Người lái đò hỏi nhà bác học: "Ông có biết bơi không?". Nhà bác học trả lời "không biết". Anh lái đò tiếp lời: "Vậy ông bám chắc vào tôi, nếu không thì ông sẽ mất cả cuộc đời đó".
>> 'Học tiếng Anh thuận tự nhiên cũng đủ vào đại học'
Trở lại với câu chuyện dạy và học tiếng Anh ở nước ta hiện nay, tôi có thể bạo gan nói rằng "vô cùng lãng phí". Nếu dùng tiền dạy tiếng Anh để đầu tư vào giáo dục sẽ hơn rất nhiều. Lý luận của chúng ta rất cao siêu, nhưng thực tế giáo dục nước ta lại hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Tất cả hệ thống giáo dục cho đến người dân đều có tư tưởng "học để có việc làm, có nghề", tức là "học đề thành một anh công nhân".
Tiếng Anh là một môn ngoại ngữ, thuộc ngành Ngôn ngữ học, là một môn khoa học cơ bản tách ra từ triết học. Nếu chỉ học tiếng Anh không thôi thì nó cũng tương tự bất cứ môn khoa học cơ bản nào, cũng rất cần nghiên cứu. Một Tiến sĩ tiếng Anh cũng giống một Tiến sĩ tiếng Trung, tiếng Nga... và tiếng Việt, đều là Tiến sĩ Ngôn ngữ học. Tiến sĩ ngôn ngữ học cũng giống như Tiến sĩ Toán học, Văn học hay Sử học...
Thế nên, trừ khi bạn có năng khiếu và muốn theo đuổi ngành Tiếng Anh thì mới cần học từ nhỏ. Còn nếu chỉ cần tiếng Anh để đi du học hay làm việc thì sau khi học hết lớp 12 học cũng chẳng muộn. Đa số du học sinh hay người đi xuất khẩu lao động đều chỉ cần học ngoại ngữ trong khoảng sáu tháng đến một năm là có thể dùng được. Hiện nay người ta đi lao động Hàn Quốc và Nhật Bản đều yêu cầu học tiếng Hàn và tiếng Nhật, không cần học tiếng Anh.
Hầu hết người học tiếng Anh giống như người mua kính ở câu chuyện thứ nhất - mơ ước, nhu cầu thì có, nhưng chẳng biết làm gì? Nếu người dạy tiếng Anh cũng có tâm như anh bán kính thì tốt biết bao, người mua kính đã không mất tiền oan để mua kính. Nhưng người học tiếng Anh hiện nay đang mất tiền mà chẳng có ích gì. Nếu trường phổ thông dạy Ngoại ngữ như một môn khoa học cơ bản, dạy cho các em tư duy ngôn ngữ, giống như tư duy Toán, Văn, hay Âm nhạc, Mỹ thuật... thì thật có ích.
Hiện nay, chúng ta đang theo giáo dục kiểu phương Tây, nhưng là giáo dục phổ cập. Khi guồng máy kinh tế cần nhân công cho các nhà máy thì một anh nông dân mù chữ không thể vận hành máy móc. Như vậy, người này phải được học, nhưng anh công nhân không cần học nhiều, chỉ cần học đủ để đáp ứng nhu cầu lao động là được. Một sự thật là nền kinh tế cũng không đủ nguồn lực để tất cả người dân đều được hưởng sự giáo dục đó, thế là giáo dục phổ cập ra đời. Mục đích là để đào tạo công nhân.
Họ chỉ học một số môn cần cho nghề nghiệp sau này mà không chú ý đến môn khác. Họ lý luận rằng tại sao tôi phải học môn này trong khi tôi không bao giờ dùng đến? Họ học môn kia vì hy vọng sau này kiếm được việc làm tốt. Kể cả có được học, họ cũng chia ra môn học chính, môn học phụ. Họ không biết rằng mỗi môn khoa học cơ bản, ngoài các kiến thức giải thích về thế giới còn dạy người ta một kiểu tư duy.
Một nhà hiền triết nói rằng: "Hãy cẩn trọng suy nghĩ, vì suy nghĩ tạo thành lời nói. Hãy cần trọng lời nói vì lời nói tạo thành hành động. Hãy cẩn trọng hành động vì hành động tạo thành thói quen. Hãy cẩn trọng thói quen vì thói quen tạo thành tính cách. Hãy cẩn trọng tính cách vì tính cách tạo thành số phận".
Các thầy cô giáo ngày xưa rất sợ học trò học lệch. Các thầy cô chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với thầy cô bộ môn để xem các em có học lệch không để kịp thời uốn nắn. Không có chuyện môn chính hay môn phụ, môn thi đại học hay không, học sinh phải học bất kể môn nào đều phải đạt điểm trung bình trở lên. Các thầy cô hay nói, học lệch kiến thức sẽ khiến tư duy lệch lạc.
Việc dạy và học tiếng Anh hiện nay ở ta bắt chước máy móc theo nước ngoài. Ở Singapore, tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính, nên mới có chương trình học tiếng Anh bắt buộc. Nước ta, ngôn ngữ hành chính là tiếng Việt, bên cạnh đó còn có 54 ngôn ngữ các dân tộc khác và 35 dân tộc có chữ viết riêng. Như vậy việc học ngôn ngữ trong giáo dục phổ thông cũng rất nặng.
Nước ta bây giờ cũng thoát nghèo rồi, chưa giàu nhưng cũng đủ tiềm lực để giáo dục toàn diện. Không cần phải đồng thời như ngày xưa mà tùy theo hoàn cảnh từng tỉnh từng địa phương để dạy tất cả các môn khoa học cơ bản, không coi môn nào là môn chính hay môn phụ, mà tùy thuộc vào điều kiện để dạy các môn cho phù hợp. Nên nhớ, giáo dục phổ thông là giáo dục hàn lâm chứ không phải hướng nghiệp.
Nếu cứ theo kinh nghiệm các nước đi trước thì nước ta dân số sẽ già trước khi giàu. Nếu bây giờ chúng ta thực hiện công bằng giáo dục và giáo dục theo tinh thần quý tộc thì hai, ba thập niên nữa, sức lao động sẽ tăng nhảy vọt và thu nhập GDP sẽ tự nhiên bật lên.
Sức lao động của một người là tổng hợp toàn bộ tri thức, chứ không phụ thuộc vào một vài kỹ năng. Một con trâu kéo xe cả tấn hàng hóa vẫn không được gọi là lao động, nhưng một người dù gánh hay vác vài chục cân hàng hóa lại được xem là lao động. Nước ta là một trong số vài nước hiếm hoi trên thế giới có cơ hội thực hiện giáo dục toàn diện để trở thành một nước phát triển, đời sống xã hội cao mà công bằng. Phải đổi mới giáo dục, bỏ kiểu giáo dục phổ cập, phân ban như hiện nay mà trở về giáo dục toàn diện, giáo dục hàn lâm.
Trịnh Thái Nguyên
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.